Ecuador: Khó khăn bủa vây xuất khẩu tôm

Sự bất ổn chính trị tại Ecuador đã cản trở xuất khẩu tôm của nước này; đồng thời tác động trực tiếp đến Trung Quốc khiến thị trường rộng lớn này có nguy cơ đối diện tình trạng thiếu nguồn cung.

Sản xuất gián đoạn

Hàng loạt diễn biến dồn dập xảy ra từ lệnh cấm tại thị trường Trung Quốc đến những cuộc bạo loạn đã khiến ngành TTCT của Ecuador phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn chỉ trong vài tháng. Vào tháng 9, tôm xuất khẩu từ nhiều nhà máy chế biến lớn tại Ecuador đồng loạt bị cấm tại thị trường Trung Quốc – một trong những nước nhập khẩu tôm lớn nhất của Ecuador do Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng và kiểm dịch. Hiện, các cuộc bạo loạn phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng chưa từng có tại Ecuador cũng đang giáng một đòn nặng nề vào ngành công nghiệp tôm và cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các nước nhập khẩu tôm từ Ecuador.

Một hãng nhập khẩu tôm của Trung Quốc tại Ecuador cho biết, mặc dù 80% nhà máy chế biến tôm tại Ecuador khẳng định họ vẫn có khả năng tiếp tục sản xuất bình thường trở lại, nhưng tâm lý lo ngại các đợt bạo loạn vẫn bao trùm hầu hết các nhà máy này. Không những vậy, các nhà máy sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức như vận chuyển hàng hóa khó khăn và thiếu lao động nếu họ hoạt động trở lại. Nhiều hãng nhập khẩu tôm từ Ecuador cùng các nhà máy buộc phải lựa chọn cách thức tạm dừng mọi hoạt động giao dịch để chờ đợi tình hình chính trị sẽ yên ổn trở lại trong thời gian tới; chỉ một số ít nhà máy vẫn đang hoạt động, nhưng họ sẽ phải chấp nhận sẽ gặp khó khăn về bảo quản hàng hóa và vận chuyển tới người mua.

Nguy cơ mất thị phần

Ngoài Ecuador, các nhà nhập khẩu chính của Trung Quốc cũng phải gánh chịu áp lực nặng nề không kém. Đơn cử, gần đây Trung Quốc đã phải chứng kiến tình trạng giá TTCT của Ecuador biến động bất thường “sớm tăng chiều giảm”. Thậm chí còn diễn ra tình trạng các nhà nhập khẩu phải cạnh tranh gay gắt mới có được nguồn cung, hoặc chấp nhận giá tăng lên khoảng 10 – 15 tệ (1,41 – 2,12 USD/kg).

Khi Hải quan Trung Quốc tiết lộ thông tin sẽ tạm dừng nhập khẩu một số TTCT từ Ecuador vào giữa tháng 9, hầu hết các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã nhận thấy nguồn cung tôm Ecuador không còn ổn định như trước và giảm dần các đơn đặt hàng. Nhưng quá nhiều đơn hàng đã được gửi sang Ecuador từ trước thời điểm lệnh cấm, nên thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đối diện nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vào cuối năm nay. Nhưng điều này lại đến nhanh hơn và nghiêm trọng hơn so với dự báo ban đầu. Nhiều nguồn tin nội bộ tại Trung Quốc cho hay, giá tôm sẽ tăng cao hơn vào những tháng tới.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu tôm tại Trung Quốc đang phải gánh chịu chi phí đang đội lên ngày càng cao, cùng đó là nhiều rủi ro tiềm ẩn khi một số nhà máy Ecuador đã bổ sung 2 điều khoản vào hợp đồng. Điều khoản đầu tiên là tăng mức thanh toán trước từ 20.000 USD/container lên 30.000 USD – 40.000 USD/container. Điều khoản thứ hai quy định nhà nhập khẩu sẽ phải thanh toán phí giao hàng 7.000 USD/container trong trường hợp trả lại hàng. Đứng giữa hai sự thay đổi này, các công ty nhập khẩu tôm tại Trung Quốc đều nhận thấy mua tôm Ecuador ngày càng nhiều rủi ro hơn.

Hiện, thị trường Trung Quốc vẫn còn tồn một lượng TTCT nhập khẩu từ Ecuador trong kho, nhưng nguồn cung này tương đối hạn chế. Các nhà máy chế biến chính tại Ecuador đã tạm ngừng nhận thêm đơn hàng, đồng nghĩa sắp tới thị trường Trung Quốc sẽ thiếu nguồn cung. Trong khi đó, cuối năm thường là mùa cao điểm thu mua tôm tại Trung Quốc vì vậy một số hãng đầu cơ tích trữ tôm tại thị trường này sẽ cố tình ngừng bán nhằm kiếm lời cao hơn.

Các cuộc biểu tình, bạo loạn tại Ecuador không chỉ cản trở ngành tôm mà còn ảnh hưởng tới các nước nhập khẩu tôm như Trung Quốc. Tôm của Ecuador vẫn đang ứ đọng tại các nhà máy chế biến, trong khi giá tôm bắt đầu tăng tại một số thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, điều mà các công ty tôm Ecuador lo ngại nhất không chỉ giá tôm leo thang, mà là các nước nhập khẩu sẽ quay lưng và chuyển hướng sang các thị trường khác. Đây mới là một đòn giáng nặng nề nhất vào ngành tôm Ecuador vì sẽ phải đối diện khả năng mất thị phần vào tay các đối thủ mới; đồng thời gác lại tham vọng chiếm lĩnh thị trường tôm châu Á.