Duy trì cao độ phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh từ thịt, nội tạng, nầm lợn, hàng tạm nhập tái xuất qua biên giới vẫn khá phức tạp, khó kiểm soát… 

Làm việc với lãnh đạo, các đơn vị chức năng 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng thời kiểm tra các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trong 2 ngày 1 – 2/10, đoàn công tác Chính phủ do Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn dẫn đầu, đã yêu cầu các địa phương tiếp giáp với Trung Quốc cảnh giác, ngăn ngừa hiệu quả bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cảnh giác cao độ

Theo Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Thú y… của 2 tỉnh, thì tình trạng buôn bán sản phẩm lợn sống qua biên giới đỉnh điểm xảy ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi chênh lệch giữa 2 nước lên tới 15.000 – 20.000 đồng/kg lợn hơi. Gần đây giá lợn hơi trong nước dần hạ nhiệt, còn giá lợn tại Trung Quốc tăng cao nên mặt bằng giá lợn giữa 2 nước không chênh quá lớn, từ đó hạn chế việc buôn lậu lợn qua biên giới.

15-20-18_20181002_0957060
Thứ trưởng Hà Công Tuấn và đoàn công tác kiểm tra việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại cửa khẩu

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang, từ đầu tháng 9 đến nay thực hiện công điện khẩn của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, tỉnh đã có công văn, kế hoạch chỉ đạo gửi các đơn vị, quán triệt tinh thần phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi ở mức cao nhất, nghiêm túc nhất. Đồng thời tuyên truyền, đặc biệt là bà con sống dọc biên giới hiểu được sự nguy hiểm của bệnh dịch. Vì vậy, Lạng Sơn chưa phát hiện thêm vụ vận chuyển lợn sống nào.

Về phía tỉnh Quảng Ninh, ngoài ban hành công văn chỉ đạo, tỉnh đã thành lập 3 đoàn liên ngành triển khai ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà. Hai tỉnh này còn tổ chức tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng các vùng chăn nuôi, nơi giết mổ, buôn bán thịt lợn.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Đàm Xuân Thành cho biết, số liệu mới nhất của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) thì hiện 19 nước đã có dịch tả lợn Châu Phi (tăng 2 nước), Bỉ là quốc gia mới nhất có dịch. Riêng tại Trung Quốc, từ 14 ổ dịch đầu tháng 9, chỉ sau 1 tháng đã tăng lên 27 ổ. Từ tháng 8 đến nay, Cục Thú y tiến hành lấy 82 mẫu thịt lợn xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi, rất may mắn cả 82 mẫu đều âm tính.

Trực tiếp khảo sát tại cửa khẩu Chi Ma, lối mở Cô Sa (Lạng Sơn), Bắc Phong Sinh, Móng Cái (Quảng Ninh), đoàn công tác ghi nhận tinh thần làm việc nghiêm túc của lực lượng chức năng hai bên. Đặc biệt, phía Trung Quốc đang xây dựng hệ thống hàng rào thép và bê tông rất kiên cố dọc biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở đã hạn chế việc buôn lâu lợn sống sang Việt Nam.

Lo ngại nhất nội tạng lợn

Mặc dù vậy, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh từ thịt, nội tạng, nầm lợn, hàng tạm nhập tái xuất qua biên giới vẫn khá phức tạp, khó kiểm soát. Số liệu của tỉnh Lạng Sơn cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, đã bắt giữ 11.870kg nầm lợn, 600kg thịt lợn đông lạnh, 6.975kg lợn hơi (56 con), 128kg mỡ lợn, xử phạt hàng trăm triệu đồng.

Còn theo UBND tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính từ đầu tháng 8/2018 đến nay, đã bắt giữ, xử lý 5 vụ vận chuyển gần 2.000kg lợn thịt, 440kg nội tạng lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc. Theo chia sẻ của lãnh đạo, lực lượng chức năng 2 tỉnh, do đường biên giới dài và rộng, nhiều đường mòn, lối mở, cư dân thường qua lại đi chợ, thăm thân nên khó kiểm soát tuyệt đối tình hình.

Nhấn mạnh nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi, ông Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho biết, việc buôn bán các sản phẩm từ lợn, đặc biệt là nội tạng và nầm lợn vẫn diễn ra âm thầm, bởi vẫn bắt giữ được các lô hàng lậu, không rõ nguồn gốc sâu trong nội địa nên chắc chắn đã bị lọt tại cửa khẩu nào đó. Ông Cảnh đề nghị các lực lượng chức năng tại biên giới đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát.

15-20-18_20181001_161433
Ảnh: N.H

Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn nhấn mạnh, do dịch tả lợn Châu Phi là bệnh lây nhiễm nguy hiểm, chưa có vacxin tiêm phòng và tỉ lệ chết lên tới 100% nên việc phòng chống dịch quan trọng nhất, đặt lên hàng đầu. Phía Trung Quốc đã chủ động ngăn chặn, kiểm soát buôn lậu song các cơ quan chức năng của ta đóng tại biên giới luôn duy trì thái độ nghiêm túc, tinh thần cảnh giác cao, bởi chỉ cần lọt 1 con lợn hay 1 cân thịt có mầm bệnh dịch tả vào nước ta, hậu họa sẽ khôn lường.

Do đó, khi phát hiện, bắt giữ các lô hàng thịt, nội tạng lợn không rõ nguồn gốc, hoặc nghi ngờ phải phân tích và tiêu hủy ngay theo quy trình của Cục Thú y. Tiếp tục vận động 100% cơ sở chăn nuôi, giết mổ tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột và ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, nhất là ở các địa phương giáp biên.

Đặc biệt, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh lân cận và các lực lượng Hải quan, BĐBP, QLTT, Thú y… cần trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để ngăn chặn dịch hiệu quả.

Sẽ sớm ban hành Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch

Sau chuyến kiểm tra các tỉnh biên giới phía Bắc, Cục Thú y sẽ trình Bộ NN-PTNT ban hành “Kế hoạch ứng phó khẩn cấp với nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam”, dự thảo Kế hoạch đã được Cục Thú y gửi các cơ quan liên quan lấy ý kiến.

Cục cũng ban hành công văn hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch của địa phương và tổ chức diễn tập thực hành các nội dung; Tiếp tục chủ động giám sát để ngăn chặn bệnh dịch xâm nhiễm vào Việt Nam; Phối hợp với FAO hoàn thiện TCP để có cơ sở thực hiện; Tiếp tục phối hợp với FAO, OIE… và các nước để kịp thời cập nhật thông tin về tình hình bệnh dịch; Tăng cường, nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh để chủ động ngăn chặn bệnh; Hằng ngày, theo dõi diễn biến bệnh dịch của các nước, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, người chăn nuôi và người dân một cách chủ động, tránh gây hoang mang trong xã hội.

Đặc biệt chú ý việc vận chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn qua sân bay, cửa khẩu, cảng biển, bởi Hàn Quốc đã từng phát hiện mẫu thịt du khách Trung Quốc mang theo dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.