Đồng Tháp đầu tư giai đoạn 2022-2025 6.990 triệu đồng cho ngành sen

BND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch số 310/KH-UBND phát triển ngành hàng sen tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Theo Kế hoạch này, tỉnh Đồng Tháp đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 khoảng 1.400ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2022 – 2025 là 6.990 triệu đồng.

Kế hoạch UBND tỉnh Đồng Tháp là phát triển ngành hàng sen của tỉnh hướng theo mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”; phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm và bền vững; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến một cách đồng bộ, tạo vùng nguyên liệu ổn định, tạo ra sản phẩm đủ số lượng, chất lượng và với giá cạnh tranh; nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen.

Cụ thể là đầu tư phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích năm 2025 khoảng 1.400ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen. Tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100ha vùng trồng tại Tháp Mười để đưa ra được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất. Phát triển thêm ít nhất 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh; trong đó có ít nhất 01 sản phẩm chiết xuất từ sen. Nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và Lễ hội Sen. Thực hiện cấp mã số vùng 2 trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các vùng sen nguyên liệu và các sản phẩm chế biến. Xây dựng và hoàn thiện ít nhất 03 mô hình canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm. Các mô hình được trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cấp mã số vùng.

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Đến năm 2025, tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn về Quy trình kỹ thuật canh tác sen an toàn, sản xuất hữu cơ, VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, quản lý dịch hại; thực hiện 10 lớp đào tạo, tập huấn về kinh tế tập thể, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sơ chế, chế biến, bảo quản; đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về kỹ năng số cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đóng vai trò chủ lực đối với các công trình gắn trực tiếp với sản xuất, liên kết tiêu thụ và dịch vụ du lịch. Tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, trồng, thu mua, chế biến và xuất khẩu; định hướng sắp xếp lại hệ thống các cơ sở chế biến và tiêu thụ phù hợp với các vùng sản xuất nguyên liệu theo phạm vi thích hợp. Có cơ chế hỗ trợ nông dân, cơ sở chế biến trong tổ chức các hoạt động liên kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ; đồng thời, cần tạo môi trường thuận lợi, nhất là các thủ tục hành chính, các chính sách kinh tế thu hút cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng. Tổ chức lại sản xuất của ngành hàng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với sản xuất an toàn (sản xuất hữu cơ, VietGAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, an toàn dịch bệnh…); tăng cường hợp tác, liên kết vùng và liên kết 4 nhà, kết hợp phát triển các loại hình du lịch – dịch vụ, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững.

Kỷ lục ẩm thực sen Đồng Tháp

Xây dựng các panô quảng bá, giới thiệu ngành hàng sen, điểm trưng bày và bán sản phẩm sen tại các chợ, điểm dừng chân, điểm tham quan du lịch, các lễ hội tại Khu di tích Gò Tháp… Tổ chức lễ hội sen gắn với lịch sử huyện Tháp Mười (tổ chức lễ hội sen gắn với Lễ vía Bà Chúa Xứ (vào tháng 3 âm lịch) và Lễ tưởng niệm 2 vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều (diễn ra vào 16/11 âm lịch) tại Gò Tháp). Việc kết hợp với Lễ hội sen sẽ là điểm nhấn cho du lịch Gò Tháp trở nên đặc thù và mang lại dấu ấn riêng, qua đó giá trị của ngành sen cũng được nâng cao, sản phẩm OCOP sẽ đến gần hơn với mọi đối tượng khách du lịch trong và ngoài nước. Từng bước xây dựng điểm du lịch cộng đồng Đồng Sen – Gò Tháp là điểm giao thoa, kết nối nhiều tour, tuyến du lịch khác nhau ở trong và ngoài tỉnh. Hoàn thiện và nhân rộng mô hình cộng đồng “Đồng sen Tháp Mười”.

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2022 – 2025 là 6.990 triệu đồng. Nguồn kinh phí từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được phân bổ hàng năm; kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ; kinh phí khuyến công, khuyến nông; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án; nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác…