Doanh nghiệp thủy sản lại “vấp” thủ tục

Khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19 hoành hành, các doanh nghiệp đang gắng sức để đảm bảo hoạt động kinh doanh và ổn định sản xuất cho người nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp đang gặp trở ngại do vướng mắc thủ tục hành chính.

Thị trường vẫn khó

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu với tốc độ chóng mặt đã khiến cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trở tay không kịp khi giao thương gần như bị ngưng trệ. Các doanh nghiệp phải nỗ lực linh hoạt để chuyển hướng sang thị trường khác hoặc quay lại nội địa. Thế nhưng, vẫn không thể bù đắp được sự sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận.

6 tháng, xuất khẩu tôm đạt 1,6 tỷ USD   Ảnh: Nguyệt Nga

Ảnh minh họa

Theo khảo sát của VASEP, do chịu tác động của COVID-19 nên đa số doanh nghiệp gặp khó khăn về đầu ra và thiếu nguyên liệu khi tình hình thả nuôi rất chậm. Nhiều doanh nghiệp tôm đang phải tập trung phân bổ nguồn lực để đảm bảo cầm cự cùng người nuôi và khách hàng cũng như tìm cách phân bổ lại thị trường, hạn chế tại những thị trường bị ảnh hưởng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu hải sản đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm đóng hộp thay vì tươi sống để đẩy vào các kênh siêu thị trong bối cảnh đơn hàng mới bị sụt giảm.

Hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều lô hàng xuất khẩu đang bị trì hoãn, lượng hàng tồn kho lớn, khách hàng chậm thanh toán… đã ảnh hưởng không nhỏ tới vòng quay vốn lưu động của các doanh nghiệp thủy sản. Để hỗ trợ, Chính phủ và ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Thủ tục cũng không dễ

Mới đây, VASEP có công văn gửi Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến về bất cập việc một số Ban quản lý cảng cá yêu cầu khống chế số lượng nguyên liệu trên giấy xác nhận S/C bất hợp lý.

Cụ thể, thời gian vừa qua Ban quản lý cảng cá ở một số tỉnh như Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã yêu cầu các doanh nghiệp tách lượng nguyên liệu thu mua xin cấp giấy S/C để không vượt 36 tấn nguyên liệu/giấy (tương đương phí cấp S/C không vượt quá 700.000 đồng/lần theo quy định của Bộ Tài chính). Nhiều trường hợp lượng hải sản doanh nghiệp thu mua trong một lần tại một nơi được khoảng 40 tấn, nhưng không được đăng ký như quy định tại Thông tư 118/2018/TT-BTC, mà phải tách làm 2 giấy S/C.

Yêu cầu này buộc doanh nghiệp phải làm thêm nhiều bộ hồ sơ xin xác nhận S/C, đồng nghĩa phải chịu thêm chi phí xin cấp S/C, làm gia tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.

Cùng đó, cũng theo VASEP, một số doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau nhận được thông báo số 1057/TB-CT ngày 5/6/2020 của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản. Trong đó, vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp phản ánh là việc áp dụng một số văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của Tổng cục Thuế làm cho đa số các sản phẩm thủy sản chế biến của các doanh nghiệp bị quy là “sơ chế” khiến các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo VASEP, trong khi chờ văn bản chính thức của Bộ NN&PTNT về phân biệt giữa sản phẩm sơ chế và chế biến, VASEP đề nghị Cục Thuế Cà Mau xem xét: Doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản (mã ngành 1020) và có nhà máy chế biến thủy sản được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ. Cùng đó, các sản phẩm chế biến, bảo quản của các nhà máy chế biến thủy sản đáp ứng định nghĩa “chế biến thực phẩm” tại Luật An toàn thực phẩm 2010 được coi là hoạt động chế biến đúng nghĩa theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP và Thông tư 96/2015/TT-BTC, không phải là hoạt động sơ chế.

Thực hiện đúng các quy định là điều mà doanh nghiệp buộc phải tuân thủ, nhằm đảm bảo cho thực thi nghiêm quản lý nhà nước. Thế nhưng, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc “nới tay” và xem xét thận trọng khi áp dụng mọi quy định đang là điều mà doanh nghiệp chờ mong. Bởi đây là sự “trợ sức” rất lớn để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường.