Điêu đứng vì mía rớt giá

Không chỉ giá mía nguyên liệu giảm mạnh ở miền Bắc, mà ở Khánh Hòa cũng giảm tới 80 ngàn đồng/tấn khiến nông dân lao đao.

Cty CP Đường Việt Nam (Diên Khánh, Khánh Hòa) thu mua với giá 720 ngàn đồng/tấn (10CCS), chưa bao gồm cước vận chuyển; Cty TNHH MTV Đường Biên Hòa – Ninh Hòa thu mua 695 ngàn đồng/tấn (10CCS), hỗ trợ thu hoạch đầu vụ 20 ngàn đồng/tấn.

15-03-58_1

Nông dân Khánh Hòa vào vụ thu hoạch mía nhưng kém vui

Chúng tôi về vùng trồng mía xã Diên Tân, huyện Diên Khánh. Mọi năm giờ này, nông dân đã chặt mía chất đống bên đường. Vậy mà năm nay chẳng thấy ai thu hoạch, mía vẫn đầy ruộng. Một nông dân ở đây cho hay: “Năm nay nắng hạn, mía kém phát triển, chi phí đầu vào lại tăng cao nên bà con không muốn thu hoạch”.

Theo ông Nguyễn Nhạc ở thôn Láng Nhớt, xã Diên Tân, mía trên địa bàn chủ yếu bán cho Cty CP Đường Việt Nam. Hiện Cty thu mua chỉ 720 ngàn đ/tấn (10CCS) giảm 80 ngàn đồng/tấn so với năm ngoái. Mặc dù nhà máy đã nhắn tin cho nông dân lịch chặt mía để ép, song bà con không thiết tha thu hoạch.

“Nếu chặt bây giờ là cầm chắc thua lỗ vì mía non lắm, cây lại kém phát triển nên chữ đường không đạt. Gia đình tôi có 7 ha mía nhưng đành nán lại, đợi qua tháng 3 rồi tính”, ông Nhạc chia sẻ.

Còn anh Hồ Văn Hiếu ở thôn Bắc, xã Ninh Tân (TX Ninh Hòa) than vãn, diện tích mía trồng trên đồi (chiếm đa số), năng suất chỉ từ 25-30 tấn/ha là cùng. Còn vùng có điều kiện thuận lợi, ruộng bằng phẳng, gần suối thì năng suất ước 40-50 tấn.

“Gia đình vừa thu hoạch xong 4 ha, cũng chăm sóc kỹ nhưng sản lượng thu được chỉ trên dưới 100 tấn (tương đương 20-25 tấn/ha). Giá mía hiện chỉ 720 ngàn đ/tấn, trong khi chi phí vận chuyển, bốc xếp, nhân công tăng cao, công chặt từ 1.500-2.000 đồng/bó (10 kg), sau khi trừ chi phí may mắn lắm chỉ đủ vốn đầu tư”, anh Hiếu chia sẻ.

15-03-58_3

Nhiều ruộng mía ở Diên Tân, nông dân chưa muốn thu hoạch

Tôi hỏi, vậy nhà máy đường không hỗ trợ bà con tiền vận chuyển, bốc xếp mía lên xe? Anh Hiếu bảo: Nhà máy hỗ trợ phí vận chuyển 135 ngàn đ/tấn, còn tiền bốc xếp 30 ngàn đ/tấn. Nhưng thực tế các chi phí trên không thấm thía gì, nông dân phải bù lỗ thêm nhiều. Ví dụ, xe chở 15 tấn mía, phải cần 4 người bốc xếp. Tính ra tiền hỗ trợ bốc xếp sẽ được 450 ngàn đồng. Nhưng lấy 450 ngàn này chia trả đều cho 4 người bốc xếp thì không ai chịu làm. Do đó, nông dân phải trả thêm mỗi người 50 ngàn nữa, tức là tốn 200 ngàn đồng/tấn thì mới có người làm. Đó là chưa kể phát sinh tiền “tăng bo” đủ thứ nữa…

Cũng theo anh Hiếu, sau niên vụ này, anh tính đến chuyện bỏ mía, vì nhiều năm liên tục thua lỗ. Vụ tới, đối với ruộng mía xấu trên đồi cao, anh chuyển sang trồng keo để giữ đất, chỉ giữ những đám mía lưu gốc còn tốt. Điều anh chắc chắn là sẽ không đầu tư trồng mía mới. Dù nhà máy có chính sách hỗ trợ giống hay hỗ trợ chi phí đầu tư 1 ha từ 15-20 triệu đồng. Bởi, thực tế đầu tư trồng mới hết 40 triệu, nhưng với giá mía hiện nay, liệu có lấy lại vốn đầu tư 20 triệu bỏ ra? Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho nông dân, chứ giá thế này khó mà giữ cây mía.

Ông Dương Đình Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Tân cũng thừa nhận, trước đây toàn xã có khoảng 400 ha mía. Tuy nhiên mấy năm nay diện tích thu hẹp dần. Vụ này toàn xã chỉ còn trên 200 ha. Nguyên nhân do bà con trồng không có lãi. Nhiều người bỏ mía đi làm công nhân.