Điện Biên: Lo ngại ô nhiễm môi trường từ vỏ thuốc BVTV

Bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những loại rác thải nguy hại, cần được xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên, vỏ thuốc BVTV đã qua sử dụng vẫn chưa được thu gom, xử lý đúng cách. Tình trạng vỏ bao bì thuốc BVTV vứt tràn lan đang đe dọa đến môi trường xung quanh và sức khỏe con người.

Người dân xã Thanh Xương phun thuốc bảo vệ thực vật.

Người dân xã Thanh Xương phun thuốc bảo vệ thực vật.

Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Điện Biên sử dụng hơn 150 tấn hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, tương đương khoảng 15 tấn vỏ bao bì, thuốc tồn đọng còn dính trong bao bì cần được xử lý. Tuy nhiên khâu thu gom, xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các địa phương vẫn đang gặp phải khó khăn, khi chưa tìm được biện pháp xử lý triệt để. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới môi trường khu vực nông thôn.

Tại thửa ruộng khu C9 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Việt đang phun thuốc diệt cỏ cho ruộng lúa mới trổ bông của gia đình. Nhìn cách anh Việt phun thuốc cho lúa, chúng tôi không khỏi lo ngại trước những nguy hại về sức khỏe khi anh Việt tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. Bằng đôi tay trần, anh Việt nhanh chóng vặn nắp vỏ chai thuốc diệt cỏ có nhãn hiệu VIFOSAT, dung tích 1 lít, rồi đong theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Trong lúc pha chế, không ít lần anh bị loại thuốc độc chết người này rơi vào tay, chân.

Rồi tiện tay, anh Việt vứt luôn vỏ chai thuốc diệt cỏ xuống miệng cống gần đó. Vừa tiếp xúc với mặt nước, dung dịch màu trắng đục bên trong vỏ chai nhanh chóng loang trắng ra xung quanh, mùi hóa chất nồng nặc bốc lên.

Nguy hiểm hơn, quá trình phun thuốc, thỉnh thoảng gặp phải cơn gió quẩn, làn “mưa bụi” khiến thuốc diệt cỏ táp thẳng vào gương mặt khắc khổ không hề được bảo hộ. Khi PV hỏi tại sao không sử dụng khẩu trang hay mặc áo bảo hộ lao động cho khỏi độc hại, anh Việt cười thật thà: “Ôi trời, dùng mấy cái thứ đấy nóng nực, vướng víu lắm. Đeo khẩu trang thì lại khó thở, bức bách. Tôi làm mãi thế này quen rồi”.

Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được vứt tràn lan xuống kênh mương, đồng ruộng.

Vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được vứt tràn lan xuống kênh mương, đồng ruộng.

Quan sát dọc đoạn mương nước gần đó, chúng tôi thấy rất nhiều vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước, trong bụi cây. Cứ nghĩ tới việc nguồn nước ô nhiễm này sẽ ngấm xuống đất, hòa vào mạch nước ngầm, rồi lại được hút lên qua hệ thống các giếng khoan để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của con người, nghĩ thôi cũng thấy sợ.

Tại cánh đồng trước đội 16, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên có vô số vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV nằm lẫn trong cỏ hoặc nổi lềnh phềnh dưới mương nước. Anh Lò Văn Hặc cho biết: Trên cánh đồng này chưa được xây dựng hố thu gom bao bì thuốc BVTV. Vì vậy, sau khi sử dụng, người dân chỉ biết vứt vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV ra bờ ruộng, mương máng.

Theo đánh giá của Trạm BVTV huyện Điện Biên: Hiện trên địa bàn huyện có trên 4000ha lúa 2 vụ, trên 8.000 ha rau, cây màu vụ chiêm xuân và 1.000ha rau màu vụ đông cùng hàng trăm hecta cây ăn quả. Mỗi năm, lượng thuốc BVTV được sử dụng lên tới hàng chục tấn. Tại những vùng thâm canh rau màu, lượng thuốc BVTV sử dụng luôn vượt khoảng 20% so với mặt bằng chung.

ảnh

Từ trước đến nay, đa số bao bì thuốc BVTV không được thu gom, một phần nhỏ đã thu gom được xử lý bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt cùng với rác thải sinh hoạt. Đây là biện pháp xử lý không triệt để, bởi khi chôn lấp, bao bì thuốc BVTV phải mất hàng trăm năm mới tiêu hủy hết. Trong quá trình này, lượng thuốc còn lại sẽ ngấm xuống nguồn nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Do chưa có cơ chế và kinh phí thực hiện nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV theo quy trình vẫn chưa thể thực hiện.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết: Để hạn chế và chấm dứt hoàn toàn việc vất bừa bãi bao bì, chai lọ thuốc BVTV ra mương máng, cánh đồng… các cấp, ban, ngành tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân, cùng với đó, nhân rộng các bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được hơn 50 bể chứa bao bì thuốc BVTV. Trong đó, thành phố Ðiện Biên Phủ có 12 bể; huyện Ðiện Biên 40 bể. Song số lượng bể như hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thu gom, đa số bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng được vứt tràn lan trên đồng ruộng.

Các bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom.

Các bể thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng chưa đáp ứng được nhu cầu thu gom.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải thuốc BVTV, các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người dân thay đổi hành vi, thói quen trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng. Cùng với đó, cần có biện pháp khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ và đúng cách) để giảm tác hại của thuốc đối với sức khỏe và môi trường. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ cho nông dân áp dụng mô hình sản xuất sạch, sử dụng ít thuốc BVTV nhằm hạn chế lượng bao bì xả ra môi trường.