Dịch tả lợn Châu Phi: Tỉ lệ thiệt hại gần 100%

Theo Cục Thú y, dịch tả lợn Châu Phi rất nguy hiểm, gây chết ở heo với tỉ lệ rất cao (có thể lên tới 100%) nhưng hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18.2.2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, từ ngày 3.8.2018 đến ngày 18.2.2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin, khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực nhưng chưa được thông tin chính thức. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ở các nước trong khu vực là rất cao.

Liên quan đến trường hợp Đài Loan (Trung Quốc) thông báo phát hiện vi-rút dịch tả lợn Châu Phi trên thực phẩm của hành khách đến từ Việt Nam, Cục Bảo vệ và Kiểm tra sức khỏe động thực vật, Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức công bố thông tin phát hiện gen của vi-rút dịch tả lợn Châu Phi trên bánh sandwich kẹp thịt lợn của một hành khách đến Đài Loan (Trung Quốc) trên chuyến bay xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh đến sân bay Đài Nam của Đài Loan vào ngày 5.2.

Do đó, chưa thể kết luận thịt lợn có trong bánh sandwich của hành khách nêu trên là có nguồn gốc từ Việt Nam. Hiện, Việt Nam đang phối hợp các cơ quan của Đài Loan (Trung Quốc) để làm rõ thông tin nêu trên.

Cục Thú y cũng vừa chính thức thông tin dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhập vào Việt Nam tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Thiệt hại về kinh tế sẽ là điều không thể tránh khỏi.

Trước đó, từ 2007 đến 2012, dịch bệnh heo tai xanh ở Việt Nam làm 1,5 triệu con heo mắc bệnh và hơn 900.000 con bị tiêu hủy, gây thiệt hại gần 1.600 tỉ đồng (tiền mua vaccine, hỗ trợ tiêu hủy, mua thuốc sát trùng và công chống dịch).