Dịch bệnh gây hại cây trồng

Dịch bệnh gây hại cây trồngNăm 2019 và tháng đầu năm 2020, nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh hại trên cây trồng phát triển mạnh, nhất là trên cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, bí đỏ… Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trên là do biến đổi khí hậu và khó khăn trong việc quản lý giống cây trồng.

Dịch bệnh gây hại cây trồng

Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây sắn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, trong năm 2019, dịch bệnh hại trên các loại cây trồng chủ lực của Gia Lai như lúa, ngô, cà phê, tiêu, mía, sắn có diện tích trên 35.000 ha; trong đó, sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô chiếm hơn 5.800 ha, trên cây khảm lá sắn khoảng 4.000 ha. Đầu năm 2020, tại huyện KBang tiếp tục xuất hiện bệnh khảm lá và phấn trắng trên cây bí đỏ, gây hại trên diện tích 110 ha, khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, trú tại xã Đông, huyện KBang, tỉnh Gia Lai cho biết, giống như những năm trước, vụ Đông Xuân 2019 – 2020, gia đình ông xuống giống 0,6 ha bí đỏ. Những năm trước, ông Thưởng thu về được 10 tấn bí loại 1 (3kg trở lên), bán với giá 4.500 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, ông cũng còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Thế nhưng, ở mùa vụ năm nay, toàn bộ diện tích bí đỏ của gia đình ông đã bị nhiễm bệnh khảm lá và phấn trắng, khiến cây khó đậu quả và quả phát triển không bình thường.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, trú tại xã Đông, huyện KBang, thậm chí không thể thu hoạch được bí đỏ trên diện tích 0,3 ha. Những năm trước, diện tích bí này cũng mang về cho bà khoản lợi nhuận 20 triệu đồng/năm. Song ở vụ năm nay, khi nhận thấy bệnh khảm lá và phấn trắng đã lan rộng ra toàn diện tích mà không thể điều trị dứt điểm, bà đã quyết định không tiếp tục chăm sóc.“ Sau khi thấy không chỉ nhà mình mà cả các ruộng lân cận đều bị lây lan nhanh, nên tôi cũng nhắm mắt bỏ đi, đành chịu mất một ít vốn vì nếu chăm sóc thêm thì lại mất thêm thôi”, bà Hồng buồn rầu nói.

Bà Trần Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện KBang cho biết, những năm trước, bệnh khảm lá và phấn trắng trên cây bí đỏ có xuất hiện, song ở diện tích nhỏ và không ảnh hưởng nhiều như vụ năm nay. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do điều kiện khí hậu, chênh lệch giữa ngày và đêm khá cao, trên 10oC, đồng thời thời tiết ít mưa, dẫn đến sương mù xảy ra nhiều dẫn đến phát sinh và phát triển bệnh.

Trong khi đó, Ia Pa là địa phương có diện tích sắn nhiễm bệnh khảm lá nhiều nhất tỉnh Gia Lai với gần 2.500 ha bị bệnh. Ông Rơ Lan Kem, xã Ia Mrơn chia sẻ, năm 2018 gia đình ông trồng 3 ha sắn, trừ chi phí thu được 50 triệu đồng. Ở vụ Hè Thu năm 2019, do thiếu giống, ông phải mua từ những người bán giống trôi nổi trên thị trường mà không biết nguồn gốc, xuất xứ. Vì vậy, diện tích sắn của gia đình ông đã bị nhiễm bệnh khảm lá và lây lan với tốc độ nhanh, nên thu nhập chắc chắn sẽ bị giảm nhiều so với năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa cho biết, năm 2018, toàn huyện chỉ có 45 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, song năm 2019, tổng diện tích nhiễm đã tăng nhanh lên gần 2.500 ha, gây hại trên diện rộng ở cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu.

“Trước đây, chúng tôi đã khuyến cáo bà con nông dân kịp thời xử lý như nhổ bỏ cây bệnh đối với diện tích nhiễm nhẹ và tiêu hủy toàn bộ đối với diện tích nhiễm nặng để ngăn ngừa bệnh hại cho vụ sau, song sự cộng tác của bà con còn chậm trễ. Cùng với việc mua giống trôi nổi trên thị trường khiến dịch bệnh bùng phát và tăng nhanh”, bà Hường phân tích.

Theo ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sâu bệnh hại trên cây trồng phát sinh và phát triển mạnh trong năm 2019 và tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đầu tiên là do biến đổi khí hậu, có thời điểm mưa nhiều, gây nên các bệnh thối rễ trên cây hồ tiêu, bắp cải, cà phê. Song lại có thời điểm xảy ra nắng hạn gây ra các bệnh như rệp sáp, khảm lá sắn, sâu hại…

Để hạn chế những đối tượng sâu bệnh gây hại, giảm thiệt hại cho bà con nông dân, ông Hà Ngọc Uyển khuyến cáo, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai cần tiếp tục tuyên truyền để người dân cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp hiểu được tầm quan trọng của việc phòng trừ dịch bệnh hại. “Đối với sâu thì phải phát hiện sớm và xử lý kịp thời, nhưng bệnh thì phải phòng là chính. Vì vậy, khâu chọn giống tốt, giống sạch bệnh, làm tốt việc kiểm dịch thực vật nội địa là vô cùng quan trọng. Đồng thời, bà con nông dân cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc tiêu hủy cây trồng bị bệnh, không sử dụng lại các loại giống đã nhiễm bệnh, gây thiệt hại cho các vụ sau”, ông Hà Ngọc Uyển nhấn mạnh.