Đi qua vùng đất khát Bài 1: Ở nơi nước quý hơn vàng

Nắng nóng kéo dài làm cho tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt tại ĐBSCL. Những cánh đồng nứt nẻ, kênh rạch khô cạn, tình trạng thiếu nước sản xuất, sinh hoạt đang ngày một thêm trầm trọng.

Trạm bơm Bình Phan (huyện Chợ Gạo) đã ngưng bơm từ nhiều ngày qua vì không có nước.

Sông, rạch trơ đáy

Những ngày giữa tháng 3, chúng tôi về Gò Công Tây (Tiền Giang) nơi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức khốc liệt. Ven những tuyến đường về các xã Long Bình, Long Vĩnh, Thạnh Trị… là những cánh đồng khô cháy, đất bạc màu vì nắng nóng. Những con sông dẫn nước, các tuyến kinh thủy lợi nội đồng cũng cạn khô, đất dưới lòng sông nứt nẻ. Sông Thạnh Trị, dòng sông từng đem nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho hàng ngàn hộ gia đình, nay đã trơ đáy. Đất ở lòng sông khô cứng, có thể dễ dàng đi bộ qua sông.

Anh Lê Huỳnh Anh Thư, ở ấp Thạnh An, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, cho biết, hơn 40 năm sống ở khu vực này, anh chưa thấy năm nào hạn khốc liệt như năm nay. Chỉ hệ thống ống đưa ra giữa lòng sông trơ đáy, anh Thư nói: “Các bậc cao niên địa phương kể lại, từ trước đến nay chưa bao giờ sông này cạn, nhưng năm nay thì hơn tháng trước đã không còn nước. Mấy công chanh, ổi của tôi, nước dự trữ đã hết giờ chỉ biết lôi cỏ ủ gốc đợi mưa, nếu những ngày tới không có mưa, chắc chết hết”.

Chúng tôi đi dọc các tuyến đường từ huyện Gò Công Tây về Chợ Gạo, hình ảnh những tuyến kinh, cống đập, trạm bơm trơ đáy hiện hữu khắp hai bên đường. Anh Nguyễn Văn Chính, ở huyện Gò Công Tây, chỉ về khoảnh đất rộng khoảng 1ha khô nứt, cho biết đây là đầm nuôi cá của bà con, giờ chỉ là khoảnh đất nứt nẻ khô cứng và bạc trắng. “Đầm này cạn nước hơn 2 tháng nay, giờ bà con chỉ biết chờ mưa mới có thể nuôi cá tiếp”- anh Chính nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, do ảnh hưởng 3 kỳ triều cường giữa tháng 1, cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2020, kết hợp gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh đã làm độ mặn trên sông Tiền, sông Vàm Cỏ và sông Hàm Luông tăng nhanh. Độ mặn trên sông Tiền cách cửa sông khoảng 46km cao nhất là 8g/l, cách cửa sông 60km là 7,82g/l. Trên sông Hàm Luông, độ mặn cao nhất tại Trạm thủy văn Chợ Lách, cách cửa sông 77km đo được 6,7g/l lấn sâu đổ qua sông Tiền đoạn cù lao Ngũ Hiệp. Còn tại vàm Ba Rài, cách cửa sông gần 100km độ mặn cao nhất đo được là 5,03g/l, vàm Trà Lọt cách cửa sông khoảng 120km độ mặn cao nhất đo được là 3,91g/l.

Đặc biệt, theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước cấp cho Nhà máy nước BOO Đồng Tâm và Nhà máy nước Bình Đức để cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực TP Mỹ Tho và các huyện, thị phía Đông. Tất cả các điểm bơm vùng ngọt hóa Gò Công cũng ngưng hoạt động từ ngày 24-2. Theo UBND huyện Gò Công Tây, trên địa bàn huyện có 3.000ha lúa bị ảnh hưởng của hạn mặn do người dân sử dụng giống dài ngày, gieo sạ trễ và xa nguồn nước cấp từ kênh trục chính. Ngoài ra, còn có 1.000ha thanh long, cây ăn trái bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Những thiệt hại hiện nay là do một bộ phận cán bộ và người dân còn chủ quan trước những thông tin về hạn mặn, chưa lường trước được những thiệt hại có thể xảy ra nên chưa thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Ông Đinh Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, cho biết, thời gian tới, cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất, mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Vận động người dân cắt vụ Thu Đông, chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm hoặc chuyển sang trồng rau màu luân canh, trồng cây ăn trái, vận động người dân thực hiện nghiêm lịch thời vụ, chỉ xuống giống vụ Hè Thu khi có nguồn nước dồi dào và đảm bảo kết thúc vụ Đông Xuân 2020-2021 trước ngày 1-3-2021.

Xếp hàng lấy nước

Hơn 10 giờ, nắng như đổ lửa, tại Trạm cung cấp nước công cộng ở ấp Long Thới, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, vẫn còn rất nhiều người xếp hàng chờ lấy nước. Can 30 lít là dụng cụ chính cùng với chiếc xe máy, phụ nữ thì 3 can, còn nam giới thì 3-5 can. Chị Huỳnh Thị Huệ, ở ấp Long Thới, cho biết mấy ngày nay, chính quyền mở Trạm để người dân đến lấy nước về xài. “Nhà tôi 4 người, mỗi ngày chở được 5 can nên phải xài tiết kiệm, chủ yếu nấu ăn, uống. Rửa chén thì nước đầu bỏ, nước sau giữ lại tưới cây xung quanh nhà, dội chuồng vịt”- chị Huệ nói.

Sông Thạnh Trị (xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) cạn khô, trơ đáy nên người phụ nữ này dễ dàng bồng con đi qua sông. 

Cùng đợi lấy nước, chị Lê Thị Hồng Xuân cho biết nhà chị ở xã Long Vĩnh nhưng nước máy yếu, lại nhiễm mặn nên tranh thủ qua Trạm này lấy về xài. Mỗi ngày chị mất hơn 3 giờ lấy nước. Nước lấy về chủ yếu để rửa mặt, tắm giặt, còn nấu ăn thì phải mua nước bình. “Được cái cùng cảnh khó nên đến đây ai cũng hiểu mà nhường nhịn. Người đến trước lấy trước, đến sau xếp hàng đợi, không tranh giành gì. Tuy nhiên phải tranh thủ đến sớm vì nếu đợi sau cùng, có khi không còn nước, phải về tay không”- chị Xuân kể.

Ông Đinh Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, cho biết: Qua rà soát, toàn huyện còn 35 khu vực với 2.415 hộ ở 6 xã chưa có nước máy sinh hoạt, hoặc đã có các trạm cấp nước tại khu vực nhưng không có nguồn nước cung cấp vào mùa khô, các hộ dân còn phải xin nước và đổi nước nhờ từ các hộ ở khu vực khác.

Trước thực tế đó, UBND huyện tổ chức lắp 25 bồn chứa thể tích mỗi bồn 2m3, cấp cho 1.915 hộ và 10 vòi công cộng giúp 500 hộ có nước sinh hoạt. Tại các điểm cấp nước, hằng ngày có các xe vận chuyển nước sinh hoạt từ Trạm cấp nước Gò Công Tây đến bơm vào các bồn chứa, từ đó người dân đến lấy nước về nhà. “Huyện sẽ thống kê rà soát lại các ao làng, các diện tích đất công ở các xã để đề nghị tỉnh cho nạo vét trữ nước sạch cho người dân sử dụng”- ông Hoàng cho biết.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, các địa phương đã mở 67 vòi nước công cộng ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông cấp nước miễn phí cho các hộ dân ở ven biển, ven sông chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung. Ngoài ra, tại các huyện này, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã cho mở 48 điểm lấy nước qua bồn chứa nước tại các vị trí thiếu nước. Tuy nhiên, hiện nay mặn trên sông Tiền đã vượt qua khu vực lấy nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang và Công ty cổ phần BOO nước Đồng Tâm, trong khi đó, do nhu cầu sử dụng nước tăng cao nên áp lực nước cung cấp những ngày gần đây yếu dần. Tỉnh khuyến cáo người dân chỉ sử dụng nước sinh hoạt, hạn chế sử dụng nguồn nước từ trạm cấp nước cho các mục đích khác.