Đề nghị công nhận đặc cách cây Sacha inchi

Vừa qua, Hội đồng khoa học Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT) đã tổ chức họp, bỏ phiếu và đồng ý đề nghị Bộ trưởng Bộ NN- PTNT công nhận đặc cách cây Sacha inchi là giống cây trồng mới (cây dược liệu).

14-21-37_khoi-v-sch-inchi
Nhiều nông dân mở rộng diện tích trồng cây Sacha inchi

Từ khi di thực từ Nam Mỹ về Việt Nam cách đây 5 năm, Sacha inchi đã được các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý. Bởi đây là loại cây đa chức năng rất giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tại Việt Nam, diện tích trồng Sacha inchi liên tục tăng trong vài năm trở lại đây, trở thành nguyên liệu chế biến các sản phẩm giá trị cao như trà, dầu thực vật, thực phẩm chức năng giàu omega, hạt rang sấy…

PGS. TS Nguyễn Thị Trâm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) là người đã dày công nghiên cứu về loài cây mới này để hoàn thành cuốn sách “Cây đậu núi Sacha inchi – Cây nhiệt đới lâu năm cho omega 3 – 6 – 9”. Theo tác giả cuốn sách, hạt Sacha inchi được các nhà khoa học nước ngoài mệnh danh là “siêu thực phẩm” của thế kỷ 21 với giá trị dinh dưỡng vượt trội so với nhiều loại hạt khác đã được nghiên cứu vì hàm lượng dầu và protein cao.

Sản phẩm được chế biến từ hạt Sacha inchi rất đa dạng. Trà Sacha inchi sản xuất tại Việt Nam là một trong những kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện từ năm 2013. Sau nhiều lần phân tích dinh dưỡng và độc tố trong lá thu từ vườn trồng tại nhiều địa điểm khác nhau (Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Sơn La), các nhà nghiên cứu đã hái lá phơi khô sao vàng, đun nước cho nhiều người uống thử.

Tổng hợp các phiếu đánh giá đã đi đến quyết định sản xuất trà túi lọc Sacha inchi. Các lô trà đều đã gửi mẫu đến Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ này phân tích, được cấp phép sản xuất và thương mại hóa thành công.

Sản phẩm trà Sacha inchi tốt cho sức khỏe vì đã cung cấp thêm protein, lipid, canxi hữu cơ, phốt pho, sắt, vitamin C, B1, Betacaroten và pholyphenol cho cơ thể, làm tăng khả năng chống oxy hóa, mát gan, lợi tiểu, lợi sữa cho phụ nữ nuôi con, giúp tiêu hóa tốt. Sản phẩm có vị thanh mát, ngọt tự nhiên, thích hợp sử dụng hàng ngày.

Ngoài ra, lá Sacha inchi rửa sạch hong khô rồi sấy lạnh giữ nguyên màu xanh, sau đó nghiền rất nhỏ, tan được trong nước, loại trà này rất giàu dinh dưỡng.

Viện Dinh dưỡng –Bộ Y tế Việt Nam đã phân tích 100g trà mattra thu được 21,39g protein; 1,7g polyphenol; 20,6mg betacaroten; 13,6mg vitamin C; 47,4mg sắt; 7,54mg kẽm và 475mg canxi. Sản phẩm trà mattra có thể pha nước uống trực tiếp hoặc dùng để bọc hạt rang Sacha inchi.

Một số công ty ở Việt Nam đã thu mua nhân hạt Sacha inchi để rang ròn. Nhân Sacha inchi chứa 8% vinamin A, E, acid amin và các chất chống ôxy hóa tự nhiên giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của gốc tự do.

Những người vận động cơ bắp nhiều, người luyện tập thể thao, ăn chay và đặc biệt là phụ nữ mang thai nên ăn 20 – 25 hạt mỗi ngày để bổ sung omega – 3 giúp thai nhi phát triển hoàn thiện não bộ, giác mạc, tim mạch.

Dầu Sacha inchi tinh khiết nguyên chất được ép lạnh từ hạt Sacha inchi, không dùng dung môi, không dùng chất bảo quản, nên đảm bảo giữ lại được 100% dưỡng chất tự nhiên từ hạt.

Dầu Sacha inchi chứa nhiều omega – 3 (loại acid béo thiết yếu mà bản thân cơ thể người không tự tổng hợp được) cao gấp 17 lần so với dầu cá hồi, trên 40 lần dầu ôliu, hàm ượng omega – 6 chiếm 33 – 38%; omega – 9 chiếm 6 – 10%.

Các loại acid béo không no này giúp cho não hoạt động đều đặn, người thông minh nhanh nhẹn, thị lực vận hành hoàn hảo. Dăn dầu Sacha inchi gips ngăn ngừa các vết nhăn trên da, làm mượt và chống rụng tóc.

Được biết hiện cây Sacha inchi được trồng khá nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đây là loại cây dễ tính, dễ trồng, vừa là cây thực phẩm, vừa là cây dược liệu. Nếu các địa phương bắt tay với DN tổ chức chế biến, làm thương hiệu, quảng bá tốt hạt và các sản phẩm chế biến từ hạt Sacha inchi thì đây sẽ là cây trồng tiềm năng, làm giàu cho nông dân, là đối tượng cây trồng quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt.