Ðể có thêm vụ lúa đông xuân được mùa

Dù các đợt xả nước đổ ải cho vụ đông xuân diễn ra trong điều kiện nguồn nước các hồ chứa lớn thiếu hụt trầm trọng, song nhờ tích cực triển khai các giải pháp và sự phối hợp tốt giữa ngành nông nghiệp, ngành điện và các địa phương, toàn bộ diện tích lúa gieo cấy ở Bắc Bộ đủ nước đổ ải, hứa hẹn thêm một vụ lúa bội thu.

Ðể có thêm vụ lúa đông xuân được mùa

Thu hoạch lúa đông xuân tại xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Ảnh: KHÁNH TRUNG

Các địa phương tích cực vào cuộc

Theo Tổng cục Thủy lợi, trước thời điểm xả nước, các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đang thiếu hụt 7,2 tỷ m3, trong đó ba hồ chứa trực tiếp tham gia xả nước thiếu hụt 3,7 tỷ m3, cùng với dự báo tình trạng khô hạn tiếp tục xảy ra ở các tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020. Lòng dẫn sông Hồng tiếp tục bị xói sâu với tốc độ rất nhanh làm mực nước tại hạ du hệ thống sông Hồng không dâng bảo đảm mức yêu cầu trong ngày đầu của đợt 1 lấy nước. Thêm nữa, tập quán làm đất khác nhau dẫn đến nhu cầu nước giữa các địa phương không thống nhất thời gian (vùng ven biển làm đất sớm, vùng trung du làm đất muộn), dẫn đến phải kéo dài thời gian lấy nước.

Rất may là ngay trước thời điểm xả nước đợt 1, lượng mưa trái mùa lớn xuất hiện đã giúp các địa phương vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nước cho 30% diện tích gieo cấy vụ đông xuân 2019 – 2020. Nhiều địa phương đã chủ động sửa chữa các trạm bơm, lắp các trạm bơm dã chiến và đầu tư nhiều tiền điện, không chờ đợt xả nước đầu tiên để lấy nước, giúp các hồ chứa thủy điện tiết kiệm được hơn 11,74 tỷ m3 nước so với cùng kỳ năm 2019. Nhờ vậy, kết thúc đợt xả nước đầu tiên, tổng diện tích có nước của các địa phương là 286.000 ha, đạt 54% diện tích. Sau khi kết thúc đợt 1 lấy nước, Bắc Bộ có thêm trận mưa trên diện rộng (từ ngày 24 đến 26-1-2020) với tổng lượng mưa phổ biến từ 60 đến 90 mm và các địa phương vẫn tranh thủ vận hành công trình tiếp tục lấy nước cho nên diện tích đủ nước tăng thêm khoảng 30%. Ðợt xả nước thứ 2 và 3 được điều chỉnh giảm sáu ngày, đồng thời giữ mực nước tại hạ du hệ thống sông Hồng linh hoạt, vừa bảo đảm công trình thủy lợi lấy nước hiệu quả, vừa tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Kết thúc đợt 2 (ngày 9-2), diện tích có nước là 510.900 ha, đạt 96,2%, trong đó, 10 địa phương đã bảo đảm 100% diện tích gieo cấy.

Kết thúc 3 đợt lấy nước, diện tích có nước ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 529.900 ha, đạt 99,8%; trong đó, diện tích chưa đủ nước bao gồm khoảng 450 ha phải tiếp tục cấp nước bằng trạm bơm dã chiến. Việc lấy nước đổ ải sớm và đủ đã tạo điều kiện để nông dân các tỉnh gieo cấy lúa đúng lịch thời vụ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chỉ đạo.

Trong cuộc họp tổng kết công tác điều hành, chỉ đạo cấp nước cho vụ đông xuân do Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo Bộ NN và PTNT đánh giá rất cao sự chủ động vào cuộc lấy nước từ các địa phương và nông dân. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho rằng, việc lấy nước gieo cấy vụ đông xuân 2019-2020 là tốt nhất trong nhiều năm qua. Thành công của mùa đổ ải năm nay là do lịch lấy nước của từng đợt được xác định phù hợp kỳ triều cường, tính toán cụ thể để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất và phù hợp nhu cầu lấy nước của các địa phương. Các cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước trong hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư nạo vét tốt đã tạo thuận lợi dẫn nước vào ruộng. Bên cạnh đó, thời tiết có mưa với lượng mưa khá trên diện rộng toàn khu vực sau khi kết thúc đợt 1 lấy nước và các địa phương tận dụng nguồn nước thuận lợi vận hành công trình lấy nước, cho nên tiến độ lấy nước được thực hiện nhanh, cao hơn cùng kỳ các năm gần đây. Việc đầu tư các trạm bơm có thể vận hành lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, nhất là các trạm bơm cột nước thấp (thí dụ ở tỉnh Hưng Yên) được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm thích ứng với mực nước sông bị hạ thấp.

Ðể vụ lúa đông xuân được mùa

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, cây lúa sẽ cần nước trong hai tháng nữa, đề nghị Tổng cục Thủy lợi có phương án, giải pháp trữ nước, tích nước, điều hòa để cung cấp nước đầy đủ cho thời gian sinh trưởng và phát triển, nhất là thời gian sinh trưởng nhạy cảm.

Ðể bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, tiết kiệm nước để phát điện, Bộ NN và PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan tiếp tục tạm dừng việc cấp phép mới khai thác cát và quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông thuộc lưu vực sông Hồng – Thái Bình nhằm khắc phục việc hạ thấp, biến đổi lòng dẫn. Các địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn để sớm đầu tư, xây dựng các công trình lấy nước chủ động cho các khu vực khó khăn về nguồn nước, không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Ðồng thời, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tập trung lấy nước, tránh kéo dài nhu cầu lấy nước khi các địa phương đã hoàn thành kế hoạch.

Cùng với đó, Bộ NN và PTNT tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu, đánh giá và đề xuất giải pháp phục hồi lòng dẫn hệ thống sông
Hồng – Thái Bình, nhằm nâng cao hiệu quả lấy nước cho các công trình thủy lợi.

Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2019 – 2020, toàn miền bắc dự kiến gieo cấy 1,105 triệu ha, giảm khoảng 11,4 nghìn ha so với vụ đông xuân 2018-2019. Về sản xuất rau màu, các tỉnh phía bắc gieo trồng khoảng 523 nghìn ha, tăng khoảng 18 nghìn ha so với vụ xuân năm 2018. Quan điểm chỉ đạo của Bộ NN và PTNT là hạn chế đến mức thấp nhất trà xuân sớm, mở rộng trà xuân muộn bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt; mở rộng diện tích lúa lai, chọn các giống lúa chủ lực, nhóm giống ngắn ngày. Các địa phương cần đặc biệt lưu ý bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, chú ý khi bố trí gieo cấy những giống lúa mẫn cảm với nhiệt độ thấp như BC15.