ĐBSCL: Điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo hướng xanh, thích ứng BĐKH

Cuối tuần qua, tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng bàn giao quyết định Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL.

Phạm vi điều chỉnh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Cần Thơ và 12 tỉnh vùng ĐBSCL, với tổng diện tích hơn 40.600km2.

14-49-20_hoi_nghi_cong_bo_dieu_chinh_quy_hoch_vung_dbscl_-_nh_nb
Hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch vùng ĐBSCL (Ảnh: NB)

Theo quy hoạch, ĐBSCL sẽ phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với BĐKH; trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước; phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng mang đặc thù của vùng.

Đặc biệt có 2 điểm đáng chú ý trong quyết định quy hoạch điều chỉnh lần này: Một là mô hình phát triển theo mô hình đa trung tâm với quy mô trung bình trên cơ sở hình thành 6 vùng sinh thái nông nghiệp, gồm: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, dọc sông Tiền – sông Hậu, Tây sông Hậu, Bán đảo Cà Mau và ven biển Đông; hai là chia thành 3 tiểu vùng đặc thù trong bối cảnh BĐKH: Tiểu vùng ngập sâu (tính toán để trữ nước ngọt, hình thành các khu vực ngập nước theo mùa, hạn chế mở rộng, phát triển đô thị với quy mô lớn); Tiểu vùng giữa đồng bằng (phát triển nông nghiệp da dạng và chuyên sâu; đây là vùng ngập nông nên cần tiết kiệm đất đai trong xây dựng đô thị, phát triển đô thị theo mô hình đô thị nén, dành không gian cho nước để hạn chế ngập lụt) và tiểu vùng ven biển và hải đảo (chịu ảnh hưởng xâm ngập mặn nên cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, gắn với trồng rừng ngập mặn, khôi phục dần hệ sinh thái rừng ở Bán đảo Cà Mau).

Trung tâm công nghiệp chế biến nông – thủy sản và năng lượng của vùng bố trí tại TP Cần Thơ với tổng diện tích các khu công nghiệp khoảng 1.500 – 1.800ha, bao gồm các khu công nghiệp tại Trà Nóc, Ô Môn, Thốt Nốt. TP Cần Thơ có vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến và trung tâm logistics của vùng.

14-49-20_cong_bo_quy_hoch_xy_dung_dbscl_theo_huong_tng_truong_xnh
(Ảnh: NB)

Các trung tâm năng lượng, công nghiệp chế biến thủy sản với quy mô khoảng 2.000 – 2.400ha phân bố chủ yếu tại tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Theo Nongnghiep.vn