Đảm bảo an toàn sinh học khi dùng thức ăn thừa nuôi lợn

Người dân ven đô Hà Nội có thói quen dùng thức ăn thừa để nuôi lợn, dễ phát sinh dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường…

Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng lan rộng, đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã về địa phương để hướng dẫn bà con thực hiện việc đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi.

13-16-13_nh_1

Thức ăn dư thừa được phun thuốc khử trùng

Đi thực tế tại xã Cát Quế (huyện Hoài Đức), bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, nhiều bà con có thói quen lấy thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng… về nuôi lợn nên rất dễ có nguy cơ lây truyền DTLCP.

“Mặc dù trên địa bàn xã chưa có dịch, nhưng chúng tôi khuyến cáo người dân phải xử lý thức ăn thừa bằng nhiệt trước khi cho lợn ăn. Thùng lấy thức ăn phải kín, đảm bảo không rơi rớt trên đường. Sau khi lấy về phải tiêu độc khử trùng cả xe và thùng thức ăn. Thức ăn thừa sau khi tiêu độc khử trùng phải nấu chín kỹ bằng nhiệt”, bà Hạnh khuyến cáo.

Bà Hạnh cũng cho rằng, Cát Quế có nhiều hộ sử dụng biogas, người chăn nuôi có thể xử lý nhiệt đun nấu từ biogas để nấu chín hoặc xử lý bằng nhiệt than, bếp củi… Nên nấu chín ở 100 độ C, sôi từ 20 – 30 phút để đảm bảo diệt virus, diệt hoàn toàn mầm bệnh trước khi cho lợn ăn.

Huyện Hoài Đức có tổng đàn lợn trên 55.000 con. Ghi nhận thực tế tại xã Cát Quế – địa phương chăn nuôi lớn nhất huyện với tổng đàn lợn gần 25.000 con. Xã có 500 hộ chăn nuôi nhưng có đến 250 hộ lấy thức ăn thừa trong nội đô Hà Nội. Bình quân mỗi hộ lấy 100kg/ngày. Với 250 hộ thì có tới 25 tấn thức ăn thừa được dùng cho lợn. Những ngày này, loa truyền thanh của các xã thường xuyên phát bản tin về phòng bệnh DTLCP. Các con đường vào thôn, xóm, cá hộ chăn nuôi được rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng.

Ông Nguyễn Bá Đạt, Phó trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Hoài Đức cho hay, nguy cơ xảy ra bệnh DTLCP ở Hoài Đức rất cao, bởi huyện lân cận đã có dịch. Trạm đang tập trung tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu rõ về các biện pháp phòng tránh; tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng, cách sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn…

Theo bà Lê Thị Dung ở thôn 7, xã Cát Quế, chủ hộ nuôi 60 con lợn: “Thức ăn thừa thực ra đã được đun chín, khi mang về tôi vẫn nấu lại. Bản thân tôi phải có ý thức chủ động phòng chống dịch”.

Còn anh Mầu Tiến Bình ở thôn 7, xã Cát Quế vừa chở 3 thùng thức ăn thừa về nhà, chia sẻ: “Đồ đạc đi lấy thức ăn thừa tôi rửa sạch sẽ, thức ăn lấy về phải nấu lại, khi nào nhuyễn thì thôi. Cứ 3 ngày tôi lại phun thuốc tiêu độc khử trùng…”.

Ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết: “Hiện số người chăn nuôi trên địa bàn xã sử dụng thức ăn thừa chiếm trên 50%. Chúng tôi đang vận động các hộ ký cam kết về phòng chống bệnh DTLCP, sử dụng thức ăn thừa cho lợn phải an toàn…”.