Đắk Nông phát triển cây trồng hiệu quả kinh tế cao

Ngoài những cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, tại Đắk Nông còn có những mô hình trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao đã mang lại những thành công bước đầu.

Nông dân thu tiền tỷ

Đưa chúng tôi đi thăm trang trại rộng hơn 20ha của gia đình, trong đó có 13ha trồng măng cụt, anh Trần Quang Đông (ở bon Srếu, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cho biết, năm 1997, anh từ TPHCM lên đây, nhận thấy vùng đất này có điều kiện để phát triển cây ăn quả đại trà nên anh tìm cơ hội đầu tư. Quyết định trồng cây măng cụt vào thời điểm đó là thách thức lớn vì trong vùng chưa có ai trồng và từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất 7 – 8 năm. “Cơ sở để tôi tự tin trồng loại cây này là trên khu đất của gia đình, tôi phát hiện một cây bứa (cùng họ với măng cụt) đang cho quả rất nhiều. Sau đó tôi đã “liều” trồng 8ha, sau tăng lên 13ha”, anh Đông chia sẻ. Để lấy ngắn nuôi dài, anh Đông trồng thêm các loại cây ngắn ngày như cam, bắp để duy trì trang trại măng cụt.

Để xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2013, anh Đông lựa chọn hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Với sản lượng hàng chục tấn mỗi năm và mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài nên năm 2016, ông quyết định sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Thực hiện theo quy trình của GlobalGAP không chỉ đòi hỏi về kỹ thuật mà còn được sắp xếp theo hệ thống từ khâu làm đất, chọn rồi xuống giống, chăm sóc cho đến thu hoạch và bảo quản phải được theo dõi, ghi chép một cách cụ thể. Chính cách làm khoa học này sẽ đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. “Nếu như ở các vùng khác, nông dân thu hoạch măng cụt đại trà từ tháng 5 đến tháng 6 thì ở Tây Nguyên thu hoạch muộn hơn 3 – 4 tháng nên bán có giá cao hơn. Đây chính là lợi thế tự nhiên mà vùng đất này mang lại đối với cây măng cụt”, anh Đông phân tích. 

Đắk Nông phát triển cây trồng hiệu quả kinh tế cao ảnh 1

Anh Trần Quang Đông (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) thu được nhiều tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả

 Hiện nay, với 8ha đang cho thu hoạch mang về hơn 60 tấn quả măng cụt/năm, giá bán trung bình khoảng 80.000 đồng/kg, mỗi năm trang trại thu về hơn 5 tỷ đồng. Tuy vậy, anh Đông cho biết thêm, do măng cụt là cây trồng dài ngày nên thông thường phải sau 13 – 15 năm mới thu hồi được vốn đầu tư.

Tại khu vườn hơn 3,5ha của gia đình ông Lê Văn Hưng (thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan, thị xã Gia Nghĩa), dù cà phê là cây trồng đã đưa gia đình ông thoát nghèo nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, cây bơ trồng xen với cà phê lại là cây trồng đem lại khoản thu nhập lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm cho ông. Để nâng cao giá trị trên diện tích đất sản xuất, năm 2013, ông Hưng đưa 300 cây bơ giống Cuba vào trồng xen với cây cà phê. Nhờ phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên chỉ sau 2 năm, vườn bơ đã cho năng suất trung bình 100kg/cây/năm. 

Ông Hưng chia sẻ: “Khi cây bơ trồng từ 5 – 6 năm sẽ cho năng suất cao hơn nhiều. Nếu tính giá bình quân 70.000 đồng/kg tùy thời điểm, với 300 cây mỗi năm, sau khi trừ các chi phí, tôi có lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, quá trình sinh trưởng và năng suất cây cà phê không bị ảnh hưởng”. 

Ứng dụng công nghệ mới

Ông Nguyễn Viết Vui, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, cho biết hiện toàn tỉnh có 3.283 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; trong đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có 1.557 mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên có năng suất, giá trị vượt trội như trồng bơ mang lại lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng/ha/năm; tương tự, sầu riêng hơn 500 triệu đồng, rau, măng cụt, chuối, xoài khoảng 200 triệu đồng. Các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng các loại giống mới, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tưới nước tiết kiệm… đã tác động mạnh mẽ đến các nông hộ trong toàn tỉnh; từ đó, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao những tiến bộ của khoa học vào sản xuất. 

Còn theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện địa phương đã triển khai nhiều chương trình, dự án giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Dù nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới manh nha tại địa phương khoảng vài năm trở lại đây, nhưng tỉnh đã xác định tầm quan trọng trong hướng đi phát triển của nông nghiệp địa phương. Tỉnh đã thành lập các khu, điểm nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 120ha tại thị xã Gia Nghĩa và mời gọi được 11 nhà đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu cấy, ghép mô, lai tạo, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật tưới tiêu mới, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch… Đây sẽ là đầu tàu cho việc ứng dụng công nghệ cao trong toàn tỉnh, từ đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác”, ông Dần cho biết.

Theo Sggp.org.vn