Đắk Lắk: Chăm sóc mắc ca chính vụ ra hoa, đậu quả

Mắc ca thuộc giống cây cổ thụ, không phải chăm sóc nhiều, nhất là khi trồng xen trong cà phê.

Tuy nhiên, những ngày sau Tết, bà con huyện Krông Năng (Đắk Lắk) vẫn phải tưới nước để tránh khô nhuỵ hoa, vì đây là vụ ra hoa đậu quả chính của cây mắc ca; bổ sung thêm các loại phân bón hữu cơ vi sinh, đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, để có mùa mắc ca trĩu quả.

tr16.JPG

Những chùm mắc ca của bà con Tổ hợp tác Tiến Phát sắp đến ngày đậu quả.

Hứa hẹn mùa mắc ca bội thu

Ông Lý Văn Hiển, thành viên Tổ hợp tác (THT) Tiến Phát (thôn Giang Tiến, xã Ea Puk, huyện Krông Năng), cho biết, ông có 2,5ha mắc ca (9 năm tuổi). Nhờ sử dụng 2 loại giống chuẩn của Công ty Vinamaca là 0C, QN1 nên chỉ sau 3 năm cây đã cho quả. Hiện, ông có trên 500 cây mắc ca trồng xen với 1.000 cây cà phê. Do trồng theo nhiều đợt nên đã có trên 100 cây cho quả hơn 6 năm nay. 200 cây 5 năm tuổi và 200 cây 4 năm tuổi đều cho quả ổn định.

Năm 2018, ông Hiển thu được 1,7 tấn hạt, giá bán tại vườn 90.000 đồng/kg. Năm 2019, do có sương muối, nên mắc ca đậu quả ít, chỉ đạt 1,1 tấn quả, tuy nhiên,  giá bán khá cao, 110.000 đồng/kg.

Mắc ca không phải chăm sóc nhiều và có quy trình tưới nước như cà phê, khoảng 15-20 ngày/lượt. Sau Tết Nguyên đán hàng năm, là khoảng thời gian mắc ca ra hoa đậu trái, việc tưới đủ nước để tránh khô nhuỵ hoa, ảnh hưởng đến việc đậu quả là điều rất cần thiết. Vì vậy, bà con Đắk Lắk thường tưới cho mắc ca ngay sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2020, thậm chí ngày mùng 3 Tết, đã có nhiều hộ ra thăm vườn và chủ yếu là tưới nước cho cây.

Bình quân 1 cây mắc ca cần khoảng 200 lít nước, nếu gia đình nào  có hệ thống tưới tự động thì nhàn hơn, nếu không thì phải tưới vòi khá vất vả. Đặc biệt, nếu trồng xen mắc ca trong cà phê, khi tưới, cả 2 cây đều được hưởng; nếu không trồng xen, phải tưới cho cà phê 2 tuần/lần. Nếu trồng xen với mắc ca, chỉ tưới 20 ngày/lần, do cà phê đã được mắc ca che bóng mát, tiết kiệm hơn khi không trồng xen. Mặt khác, những vườn cà phê xen mắc ca, cà phê thường xanh tươi và đậu quả tốt hơn.

Ngoài việc tưới nước, còn phải bón các loại phân hữu cơ vi sinh, phun thuốc bảo vệ thực vật, để chống rụng quả non, giúp cây đậu hoa, đậu quả tốt hơn. Đặc biệt, khi quả bằng đầu đũa, phải bổ sung phân bón NPK BO canxi của Hà Lan, bón  định kỳ theo hướng dẫn của  THT.

Thành viên khác trong THT Tiến Phát, ông Hà Mạnh Tạc cho biết, ông có 300 cây mắc ca, trồng xen trong vườn sầu riêng từ năm 2013 đến nay. Do mua cây giống tốt, nên đã thu hoạch được 2 vụ mắc ca: năm 2018, thu gần 1 tấn mắc ca hạt, giá bán tại vườn 90.000 đồng/kg hạt tươi; năm 2019, do mất mùa, chỉ thu được trên 5 tạ, giá bán tại vườn 100.000 đồng/kg hạt tươi.

Sau Tết Canh Tý, ngày 6 tháng Giêng, ông ra vườn tưới nước cho cây. Vườn mắc ca của ông Tạc có 3 loại giống: QN, 648, 264, là những giống cho quả sai, thích hợp với khu vực Tây Nguyên. Khi cây ra hoa, phải đảm bảo đủ nước, đủ phân mới đậu quả tốt. Ngoài ra, phải bón phân NPK của Hà Lan, giúp cây khoẻ, quả sai. Thời gian này cũng là định kỳ phun các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, để chống sâu đục quả, đục cuống. Đặc biệt, một mối nguy hiểm khác, làm thiệt hại hạt mắc ca, nhưng chưa có cách chữa trị hiệu quả, đó là sự phá hoại của loài sóc.

“Hàng năm gia đình thu hoạch khoảng 1 tấn mắc ca, song bị sóc phá hoại nhiều, mất 1-2 tạ/vụ là bình thường. Mặc dù vỏ mắc ca rất cứng nhưng không hiểu bằng cách nào, sóc vẫn dùi được 1 lỗ nhỏ (bằng hòn bi ve) và ăn hết nhân. Không những ăn nhân, sóc còn phá hoại khi quả còn xanh và nhỏ. Nguy hại hơn, có khi nó chỉ ăn 1 quả, nhưng lại phá hỏng 3 -4 quả. Vì vậy, để xua đuổi sóc, phải dùng bẫy kẹp, và lấy quả mắc ca gắn vào kẹp để bẫy, tránh thiệt hại khi thu hoạch”, ông Tạc chia sẻ.

Thành lập THT để chủ động đầu ra

Ông Đinh Tất Thắng, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Puk, nay là Tổ trưởng THT Tiến Phát (thôn Giang Minh, xã Ea Buk, huyện Krông Năng), cho biết, gia đình ông có 2 vườn mắc ca, gần 7ha, trồng khoảng 1.200 cây, chủ yếu là những dòng có ưu điểm tuyệt đối, ra hoa đậu quả 1 vụ chính và 2 vụ phụ. Đồng thời, các giống rất phù hợp với vùng đất Tây Nguyên như: 0C, Đa đao, 800, 788, 246, QN. Năm 2019, do khi ra hoa, gặp cơn gió độc, làm hỏng hết hoa, nên mắc ca trái vụ chỉ đạt 1,5 tấn, bình quân 10-15kg/cây, giá bán 90.000- 95.000 đồng/ kg hạt; mắc ca chính vụ khoảng 3 tấn, bình quân  30-40 kg/cây, giá 110.000 đồng/kg.

Những ngày sau Tết Nguyên đán 2020, mắc ca đang trổ bông trĩu cành, dự kiến, tháng 3 âm lịch sẽ đậu quả, tháng 9 âm lịch cho thu hoạch vụ chính. Ngoài vụ chính, mắc ca còn có 2 vụ phụ, vụ thứ nhất, ra hoa từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau, tháng 6 cho trái; vụ phụ thứ 2, ra hoa từ tháng 2-3, tháng 9 cho trái. Mặc dù có 3 vụ/năm, nhưng không hề ảnh hưởng đến cây và chất lượng hạt, tất cả đều như vụ chính, đây cũng là một trong những ưu điểm của cây mắc ca.

rồng mắc ca khá nhàn, chỉ bận rộn vài tuần sau Tết Nguyên đán, sau đó gần như không phải chăm sóc gì. Song, đến rằm tháng 7 phải xua đuổi sóc, vì lúc này quả mắc ca đã có nhân, và phải bẫy sóc để tránh thiệt hại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thắng cho biết: “Hiện, đầu ra của hạt mắc ca đang rộng mở, đến mùa thu hoạch, khách đến lấy tại vườn, không phải đem đi bán, “cung” chưa đủ “cầu”. Song, mắc ca là cây có nguồn thu dài, lên tới 60 – 70 năm, vì vậy, để phát triển ổn định, bền vững, tháng 11/2019, chúng tôi đã thành lập THT Tiến Phát với 20 thành viên. Trước mắt, đầu ra đang ổn định,  THT chủ yếu hướng dẫn bà con chăm sóc, bón phân, thu hái, bảo quản mắc ca sau thu hoạch, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, không những phục vụ trong nước, mà còn tiến tới xuất khẩu. Hiện, bà con trong THT Tiến Phát chủ yếu bón các loại phân chất lượng cao của Hà Lan, để chống rụng hoa, rụng trái. Về lâu dài, THT sẽ hướng dẫn các thành viên sản xuất mắc ca hữu cơ để xuất khẩu, thu lợi nhuận cao hơn”.