Đà Nẵng: Sản xuất nấm linh chi trên gỗ khúc

Thay vì sử dụng mùn cưa hoặc các phế phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu trồng nấm linh chi theo cách truyền thống, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng đã ứng dụng thành công giải pháp sử dụng gỗ keo lá tràm để sản xuất nấm linh chi.

Hiện nay, phương pháp sản xuất nấm linh chi của bà con nông dân tại Đà Nẵng chủ yếu sử dụng mùn cưa nhập từ các tỉnh thành khác hoặc các phế phẩm nông nghiệp để làm nguyên liệu, giá thể trồng. Phương pháp này không chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ, không kiểm soát được chất lượng mùn cưa, công thức phối trộn nguyên liệu đòi hỏi chặt chẽ, theo đúng tỷ lệ nhất định. Giải pháp sử dụng gỗ khúc từ khai thác rừng trồng keo lá tràm để sản xuất nấm linh chi là một phương pháp mới, vừa đơn giản, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, sẵn có của địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng đã thử nghiệm dùng gỗ keo lá tràm có đường kính cây từ 10 – 15cm, chiều dài mỗi khúc từ 20 – 25cm, được xử lý thanh trùng trước khi đưa vào trồng; sau đó, khoan vào giữa thân hoặc chẻ ra làm đôi rồi cấy nấm giống. Các khúc gỗ được đưa vào những nhà trồng nấm đảm bảo ẩm độ khoảng 85- 90%. Sau 30 ngày cấy giống, nấm bắt đầu nhú quả thể, 90 ngày sau cấy thì thu hoạch đợt 1. Nấm linh chi sản xuất trên gỗ khúc có cuống nấm dài, lớp bào tử phủ nhiều. Với 1.500 khúc gỗ cho thu hoạch đợt 1 được 15 kg nấm linh chi khô. Sau khi thu hái đợt 1, nấm vẫn đang phát triển và nhú quả thể đợt 2 rất tốt.

Đánh giá về phương pháp sản xuất nấm linh chi trên gỗ khúc, anh Hùng- nông dân trực tiếp tham gia đề tài thử nghiệm chia sẻ: “Cách làm này giảm được khá nhiều công lao động so với sản xuất bằng mùn cưa, vì gỗ khúc chỉ việc bỏ vào bao, hấp và cấy là xong, giảm được toàn bộ công pha, trộn, đảo mùn cưa. Mặt khác sản phẩm nấm linh chi sản xuất trên gỗ khúc này khi sắc nước uống thì vị đắng hơn hẳn sản xuất trên mùn cưa”.

Thu hoạch nấm linh chi sản xuất trên gỗ khúc

Trung tâm Khuyến ngư nông lâm đang tiến hành phân tích hàm lượng dược chất và tồn dư kim loại nặng của sản phẩm nấm linh chi được sản xuất trên gỗ khúc và trên mùn cưa để so sánh đánh giá. Sau khi có kết quả và kết thúc thu hoạch đợt 2, 3 sẽ tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế để khuyến cao nhân rộng phương pháp này.

Hiện nay ngành nông nghiệp thành phố đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận tập thể “Nấm linh chi Đà Nẵng”. Nhãn hiệu được Sở Nông nghiệp&PTNT ủy quyền, giao Trung tâm Khuyến ngư nông lâm quản lý và phát triển. Đề tài thành công sẽ nhân rộng phương pháp mới, quy trình kỹ thuật mới để sản xuất nấm linh chi từ gỗ khúc (gỗ keo) – một loại nguyên liệu nhiều, phổ biến và giá thành rẻ tại địa phương – và dễ dàng được các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân ứng dụng. Trung tâm Khuyến ngư nông lâm sẽ là đơn vị chuyển giao, hướng dẫn quy trình kỹ thuật mới để bà con nhân rộng, phát triển sản xuất nấm linh chi trong thời gian tới.