Cùng người dân chăm sóc rau trên smartphone

Với ý tưởng giúp cho người dân trồng các loài rau theo ý muốn, anh Nguyễn Tấn Phương đã thực hiện mô hình trồng rau hộ đầu tiên qua ứng dụng điện thoại thông minh tại Đà Nẵng. Người dân chỉ cần lựa chọn loại rau, Afarm sẽ thực hiện trồng theo phương pháp thủy canh, nông nghiệp công nghệ cao và giao đến tận nhà khi đủ tuổi thu hoạch.

Mang app về quê hương

Sau một thời gian ra trường và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Tấn Phương quyết định thực hiện xây dựng ứng dụng (app) “Afarm – Farm on Smartphone” trồng rau sạch với mục tiêu ban đầu là có rau cho người thân trong gia đình ăn. Lúc đó, anh vừa mày mò làm app, vừa tìm đến các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, gặp các chuyên gia để học hỏi thêm. Sau khi có app, anh vừa thực hiện trồng rau thử nghiệm tại một nông trại ở huyện Củ Chi với 100 m2, vừa áp dụng quy trình chăm sóc cây trên ứng dụng của mình và điều chỉnh để hoàn thiện app.

Nguyễn Tấn Phương quyết định mang ý tưởng của mình về thực hiện tại Đà Nẵng sau 2 năm lên ý tưởng và thử nghiệm, anh thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Afarm. Được hỗ trợ một phần từ huyện Hòa Vang, giữa năm 2018, nông trại Afarm của anh chính thức hoạt động tại thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) với diện tích 3 ha. Tuy nhiên, khi về Đà Nẵng, với thời tiết khí hậu khác nhau nên anh cũng phải thay đổi cho phù hợp, như lựa chọn giống cây vào từng mùa khác nhau và trồng mới những giống cây thích hợp thổ nhưỡng như các loại xà lách.

Afarm thực hiện trồng rau an toàn 4 không: không biến đổi gen, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng và không thuốc hóa học. Với phương pháp trồng thủy canh sẽ giúp hạn chế ký sinh trùng từ phân chuồng. Những khách hàng đầu tiên anh có cũng chính là người thân quen, bạn bè và những cán bộ nông nghiệp của thành phố.

Cùng người dân trồng rau trên smartphone -0

Qua app, người dân và nông trại đều có thể theo dõi quá trình phát triển của rau. 

Sau khi tải app “Afarm – Farm on Smartphone” và đăng ký tài khoản, người mua có thể chọn lựa giống rau cần trồng và quan sát những thông số kỹ thuật, cũng như tình hình vườn rau của gia đình mình tại nông trại Afarm thông qua điện thoại thông minh. Sau 39 ngày, khách hàng sẽ được nhận sản phẩm và được giao tận nhà lần lượt 5 ngày/lần liên tục tùy theo gói 3 tháng/6 tháng/12 tháng đã đăng ký. Mỗi lần giao khoảng hơn 3 kg với 3-6 loại rau khác nhau.

Góp phần số hóa ngành nông nghiệp

Afarm hiện nay đang có hơn 40 loại rau, củ được trồng trên app và chục loại rau trồng hữu cơ khác để tặng cho khách như: rau lang, càng cua, rau muống, rau dền, rau thơm các loại… Trên mỗi giàn trồng rau là tên của người dân đã đặt trồng và loại rau được chọn lựa.

Nông trại cũng tạo việc làm cho 7 lao động là người địa phương. Chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung (42 tuổi) tay thoăn thoắt ươm những hạt giống cây lên miếng xốp một cách thuần thục. Vợ chồng chị trước nay làm thuê cho các chủ rừng, chăm sóc keo, chị kiêm thêm trồng trọt chăn nuôi để tăng gia sản xuất. 3 năm qua, chị xin vào làm tại Afarm, vừa phù hợp với khả năng, vừa có thời gian chăm sóc các con và thu nhập ổn định. Chị Mỹ Nhung tâm sự: “Mỗi tháng tôi nhận được 5 triệu đồng, làm công việc này ổn hơn rất nhiều, có thêm kinh phí để lo cho các con ăn học lại không lo lắng về thời tiết mưa, nắng, bão khi phải vào rừng làm việc như trước”.

Cùng người dân trồng rau trên smartphone -0

 Trồng giống rau mới.

Đến nay, anh Phương đang có hơn 200 khách hàng sử dụng sản phẩm qua nhiều cách đặt hàng khác nhau. Anh cũng liên kết với các siêu thị nhỏ trong khu dân cư để bán rau với số lượng lớn hơn. Chị Đặng Thị Linh Chi (quận Sơn Trà) tham gia trồng rau trên app và nhận sản phẩm từ 1 năm nay. Lúc đầu chị được bạn bè giới thiệu và muốn thử, cùng với giai đoạn dịch Covid-19 chị hạn chế đi chợ truyền thống đông người, nên chị đặt rau ở đây và được nông trại giao đến tận nơi. “Giao diện app rất dễ sử dụng, có thể theo dõi các loại rau sẽ được giao đến trong tuần để tôi tiện chế biến các món ăn trong ngày. Tôi cũng tự chọn giống rau để “trồng” trên app nên tin tưởng vào chất lượng hạt giống cũng như rau sau khi thu hoạch” – chị Linh Chi chia sẻ.

Với khả năng của mình, Afarm có thể đáp ứng nhu cầu trồng rau của 1.200 khách hàng của thành phố. Anh cũng duy trì vườn của mình tại TP Hồ Chí Minh và liên kết với hai nông trại khác ở Lâm Đồng để phong phú thêm sản phẩm rau, củ, quả. “Tuy số lượng khách chưa nhiều so với khả năng cung ứng nhưng với tình hình dịch Covid-19 kéo dài, việc sử dụng công nghệ sẽ là lựa chọn của người dân cũng như các cửa hàng thực phẩm sạch. Sắp tới, tôi cũng đang làm thủ tục để tham gia OCOP với sản phẩm dưa lưới và rau, qua đó có thể khẳng định hơn về chất lượng sản phẩm của mình, giúp người dân thành phố tin tưởng sử dụng những sản phẩm rau tốt” – anh Nguyễn Tấn Phương cho biết.