COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng tôm vào những tháng hè

Theo một số chuyên gia, sự gián đoạn xảy ra do tác động của COVID-19 hiện nay có khả năng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trong tương lai một cách khó lường, vì các nhà máy chế biến phải vật lộn để có được sản phẩm và các nhà nhập khẩu ngại mua hàng khi nhu cầu không chắc chắn. Robins McIntosh, Phó Giám đốc điều hành của Charoen Pokphand Foods cho hay, đặc biệt, sản xuất tôm tại Đông Nam Á có thể sẽ biến động liên tục trong vài tháng tới.

Việt Nam là nước mới nhất thực hiện cách ly xã hội từ ngày 1 – 15/4; các quốc gia sản xuất tôm lớn khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ đều đã phong tỏa trong thời gian dài hơn. Theo ông McIntosh, những lệnh phong tỏa này đang khiến các chuỗi cung ứng trở nên phức tạp ngay trong chính những quốc gia đó và cả các quốc gia bên ngoài.

Giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu tăngẢnh minh họa

Cũng theo McIntosh, tại nhiều quốc gia, các trang trại và cơ sở chế biến được đặt tại các khu vực khác nhau, do vậy, việc di chuyển sản phẩm từ địa điểm này sang địa điểm khác trở nên khó khăn. Điều này làm nhu cầu bị thu hẹp, nông dân không muốn thả nuôi. Trong khi đó, các nông dân vẫn còn tôm trong ao có thể sẽ không thu hoạch do nhu cầu thấp, giá bán thấp và cũng rất khó bán. Tôm càng được nuôi trong ao thì cỡ tôm càng lớn – một vấn đề phát sinh là cỡ tôm to chỉ bán trong các nhà hàng hiện đang phải đóng cửa vô thời hạn.

Thêm vào đó, McIntosh ước tính, có tới 50% trại sản xuất giống đã ngừng vận chuyển tôm post-larvae và hầu hết trong số chúng đã bị đóng cửa. “Nếu các hoạt động sản xuất tôm giống quay trở lại vào tháng 5 thì sản lượng tôm tại Đông Nam Á sẽ giảm 25%”, ông McIntosh dự báo.

Những gián đoạn chuỗi cung ứng này sẽ có tác động sâu rộng vì hầu hết các nhà cung cấp thường suy nghĩ nhiều tháng trước về tìm nguồn cung ứng sản phẩm do thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài. James James Berger, Phó Chủ tịch Bán hàng và Tiếp thị Dịch vụ Thực phẩm cho Slade Gorton cho biết: “Nếu một quy trình kéo dài 13 tuần thì chúng tôi sẽ phải có tính toán từ 13 tuần trước đó, đôi khi là 26 tuần để quản lý tồn kho, dựa trên tình hình vận chuyển. Chúng tôi không hoạt động dựa trên phía nguồn cung, mà theo tình hình tồn kho ở mức an toàn theo tuần đối với từng loại nguyên liệu. Điều này nghĩa là tình hình gián đoạn hiện nay không tác động lên nguồn cung tại Mỹ vài tháng kể từ thời điểm này”.

Theo ông Jeff Stern từ CENSEA, tình hình có thể dẫn đến hiệu ứng whiplash (tạm dịch hiệu ứng roi da). Hiệu ứng này rất phức tạp. Nếu hiện nay xảy ra tình hình dư cung do thiếu kênh tiêu thụ qua dịch vụ ăn uống, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ không đặt các đơn hàng mới. Khi tình hình bắt đầu chậm chạp quay trở lại bình thường vào khoảng tháng 5, 6, thì tồn kho có thể vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó.

“Tuy nhiên, ngay khi các mắt xích sẵn sàng hoạt động trở lại, các lô hàng từng được dự kiến rời Đông Nam Á vào tháng 4 nhưng bị hoãn hoặc chưa thể rời cảng, có thể tạo nên một khoảng trống. Khi các container không thể cập cảng tháng 6, 7, 8 do tình trạng phong tỏa hiện tại, chúng ta có thể nhận ra tình trạng thiếu sản phẩm. Tôi nghĩ rằng, thời gian kết thúc một chu trình từ ao nuôi ấp con giống cho tới khi container chở tôm cập cảng bờ Đông nước Mỹ sẽ kéo dài khoảng 5 – 6 tháng”, Jeff Stern nói thêm.

“Những thiếu hụt nguồn cung sẽ càng tồi tệ nếu tình trạng kìm hãm sản xuất và chế biến kéo dài. Nếu mọi thứ không quay trở lại bình thường vào cuối tháng 5, sản lượng tôm ở Đông Nam Á có thể giảm 50% so năm 2019. Với tình hình như hiện tại, câu hỏi không còn là liệu có xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung hay không, mà là nó có tệ đến mức nào khi chúng xảy ra”, ông McIntosh nói.