Cơ hội của ngành tôm thời hậu COVID-19

Sản xuất gặp khó, thị trường bế tắc, thế nhưng, quý I/2020, xuất khẩu ngành tôm vẫn khá tốt khi tổng giá trị kim ngạch đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy chỉ tăng nhẹ, thế nhưng, đây là tín hiệu rất tích cực của toàn ngành trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao dốc.

Khả quan thị trường lớn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm quý I/2020 tăng là nhờ thị trường Mỹ tăng khả quan. Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 3 đạt 41,3 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái và lũy kế quý I đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam và Mỹ đang là thị trường lớn thứ hai của tôm Việt.

VASEP nhận định, với kịch bản tích cực nhất, nếu hết quý II/2020, dịch COVID-19 ở Mỹ được khống chế; xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ dự báo sẽ tăng 3%, đạt khoảng 675 triệu USD trong năm 2020. Mặt khác, dự báo nhập khẩu tôm của Mỹ tháng 3/2020 sẽ không duy trì được đà tăng do Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ cũng đang gặp khó khăn vì COVID-19; Ấn Độ đang thiếu hụt nguồn tôm giống phục vụ sản xuất vụ hè do các biện pháp nhằm hạn chế dịch bệnh của Chính phủ nước này, một số nhà chế biến có thể chỉ hoạt động 50% số lượng công nhân. Đây cũng là cơ hội rất tốt cho tôm Việt Nam tại Mỹ trong thời gian tới.

Ảnh minh họa

Thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam là Nhật Bản, trong quý I/2020 cũng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019 để đạt gần 132 triệu USD, chiếm 21% tổng kim ngạch. Nhật Bản vươn lên thị trường lớn nhất nhờ tăng mạnh trong tháng 2/2020 với mức tăng 63% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc trong tháng 3 đầu năm nay giảm lần lượt 16%, 6,3% và 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Giá nguyên liệu tăng dần

Sau thời gian giá tôm sú, TTCT sụt giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, hiện nay giá TTCT tại Bạc Liêu đã phục hồi và tăng hơn trước 20.000 đồng/kg (đối với loại nhỏ). Cụ thể, TTCT loại 100 con/kg có giá 90.000 đồng/kg đối với nuôi ao lót bạt; tôm nuôi ao đất giá từ 80.000 – 85.000 đồng/kg. Các loại TTCT cỡ lớn chỉ tăng nhẹ so với trước: loại 70 con/kg có giá 110.000 đồng/kg; loại 50 con/kg có giá từ 120.000 – 125.000 đồng/kg.

Khác với TTCT, giá tôm sú vẫn giữ mức thấp trong nhiều tháng qua. Hiện nay, giá tôm sú loại 30 con/kg chỉ khoảng 130.000 đồng/kg; loại 20 con giá chỉ 150.000 – 160.000 đồng/kg.

Mặc dù giá tôm sú vẫn còn thấp nhưng việc TTCT phục hồi giá đã giải tỏa phần nào khó khăn cho người nuôi tôm, nhất là nuôi công nghệ cao, nuôi thâm canh – bán thâm canh. Việc phục hồi giá TTCT cũng mở ra kỳ vọng thuận lợi cho sản xuất vụ tôm mới khi người nuôi tôm có nguồn vốn để sản xuất.

Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sao Ta từng chia sẻ rằng, khi dịch COVID-19 được kiểm soát nhanh, giá tôm trong nước sẽ tăng mạnh hơn các nước, do trình độ chế biến của Việt Nam cao; điều này dẫn tới nhiều sản phẩm vào được các hệ thống phân phối cấp cao, giá cả tốt. Từ đó, doanh nghiệp và người nuôi cùng chia sẻ khó khăn cho nhau. Hoặc khi dịch COVID-19 kéo dài, người nuôi sẽ giảm việc thả giống nuôi, mức cung trong nước sẽ giảm, dẫn đến giá cả nếu có giảm, cũng chỉ giảm nhẹ vì mức cung chung đã giảm.

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Tỉnh Cà Mau hiện có 68 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, với tổng công suất các nhà máy chế biến 185.000 tấn/năm, sử dụng trên 20.000 công nhân, lao động. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu hết các doanh nghiệp này đều gặp khó do dịch COVID-19; lượng hàng tồn và lưu kho của các doanh nghiệp chế biến khoảng 17.000 tấn, tổng giá trị hàng hóa ước tính 147 triệu USD.

Theo Sở Công thương Cà Mau, dự kiến quý II/2020 còn nhiều khó khan nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm khó có thể khả quan; từ đó, doanh nghiệp cần tranh thủ thị trường Trung Quốc và Nhật Bản; đồng thời, nắm sát tình hình các thị trường khác để tranh thủ xuất khẩu và có giải pháp phù hợp kịp thời. Sở đã chủ trì và phối hợp với Sở NN&PTNT cùng với các sở, ngành liên quan triển khai rà soát, dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; qua đây, không chỉ rà soát, nắm bắt cụ thể tình tình xuất khẩu của các doanh nghiệp mà còn tranh thủ hỗ trợ họ nhanh chóng xuất khẩu ngay khi điều kiện cho phép.

Cùng đó, đơn vị cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm củng cố thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới để phù hợp tình hình; Phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên phụ liệu, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp các ngành, đơn vị liên quan tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách như: tín dụng, bảo hiểm xã hội, điện lực, thuế… để hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn nhằm thu mua, chế biến, trữ hàng chờ xuất khẩu, góp phần bình ổn giá tôm nguyên liệu.

Theo VASEP, sản phẩm tôm thuộc nhóm thực phẩm thiết yếu với mức giá “dễ chịu” nên nhu cầu tiêu thụ vẫn có trên thế giới và nội địa trong thời gian tới; cùng với việc kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. Ttại thị trường EU, Việt Nam lại đang có lợi thế ưu đãi từ EVFTA, đặc biệt đối với sản phẩm tôm có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không thể cạnh tranh được khi dịch bệnh được kiểm soát.