Có 19 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện tại 19 tỉnh, thành phố; tổng số gia súc mắc bệnh là 3.479 con; tiêu hủy 2.640 con.

Dịch lở mồm long móng trên lợn đã xuất hiện tại 19 tỉnh, thành phố. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2019, dịch bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện tại 19 tỉnh, thành phố; tổng số gia súc mắc bệnh là 3.479 con; tiêu hủy 2.640 con. Bên cạnh đó, tỉnh Long An và Quảng Ninh đang có dịch cúm gia cầm.

Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện bệnh lở mồm long mong trên đàn lợn. Cụ thể, ngày 8/2, tại xã Triệu Vân thuộc huyện Triệu Phong phát hiện đàn lợn 17 con mắc bệnh. Ngày 9/2, địa phương này phát hiện thêm 78 con lợn mắc bệnh.

Cơ quan chức năng đã tiêu hủy số lợn bị bệnh trên địa bàn xã Triệu Vân. Đồng thời, cấp 100 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và 100 liều vắc xin tiêm phòng cho đàn lợn nuôi ở xã này. Tương tự, bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong và xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh.

Trước đó, tỉnh Quảng Trị cũng đã phát hiện dịch bệnh lở mồm long móng tại huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Trước tình trạng trên, tỉnh Quảng Trị cung cấp cho các địa phương vắc xin để tiêm phòng, hóa chất để tiêu độc khử trùng, xử lý dứt điểm các điểm phát sinh bệnh. Ngành thú y tập trung kiểm tra, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh; kiểm soát giết mổ; hướng dẫn người nuôi biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tại Quảng Ninh cũng xuất hiện nhiều ổ dịch lở mồm long móng tại các huyện Đông Triều, Uông Bí và Bình Liêu và đang có xu hướng lây lan ra các địa phương khác.

Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân 2018 – 2019. Đồng thời, tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Đặc biệt, không để lợn và sản phẩm thịt lợn từ các vùng đang có dịch bệnh tả lợn châu Phi xâm nhập vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về giống lợn và gia cầm; kiểm soát giá đảm bảo hài hòa lợi ích cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị chăn nuôi. Ngoài ra, hướng dẫn các đơn thị trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật./.