Chuyện được – thua bên li cà phê đầu xuân

Đêm Giao thừa Xuân Canh Tý cũng là ngày giao dịch cuối tuần của các sàn cà phê. Đóng cửa hai sàn rớt đậm, nhưng không phải ai cũng mất vui.

Qua một phiên giao dịch người mừng kẻ lo

Trong 5 ngày hoạt động tuần qua, sàn phái sinh robusta London – nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu – đóng cửa có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm. Nếu như 3 phiên giữa tuần tăng, thì 2 ngày đầu và cuối tuần giảm.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường London vừa qua khá hi hữu. Ngày đầu tuần lập đáy ở 1.303 đô la thì ngày cuối, cũng là đêm giao thừa tạo đỉnh tại 1.374 đô la Mỹ/tấn.

Nhưng bi kịch là khi chạm mức cao nhất này, giá sàn phái sinh robusta suy sụp nhanh và chạm đáy trong ngày là 1.316 để đóng cửa tại 1.319 đô la/tấn.

Như vậy, chỉ còn 16 đô la mỏng manh nữa, giá London lại quay về mức sâu nhất tính từ hơn 2 tháng nay. Cả phiên 24-1, đóng cửa sàn London giảm 48 đô la.

Anh Trần Phúc, một chủ vựa ở Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lắk vui ra mặt. “Khi thấy giá kỳ hạn ở khu vực 1.365-1.370, tôi tranh thủ chốt bán mấy hợp đồng còn treo. Đầu năm, thấy nhẹ người”, anh Phúc vui mừng báo tin “chào bàn” cà phê sáng mồng 1 Tết Canh Tý.

Thật ra, nhiều người đã từng tính khi giá London lên đến 1.350, họ sẽ túc tắc bán dần. Nhưng oái ăm là trong ba ngày giữa tuần, giá sàn này tăng có vẻ rất chắc, nên một số để nán lại chờ cao thêm chút nữa.

“Không ngờ giá London sụp nhanh và sâu như thế”, chị Ngân ở Buôn Ma Thuột nói còn lộ vẻ ngỡ ngàng với cú rớt giá bất ngờ trong đêm giao thừa.

Một số người còn tiếc vì để vuột mất cơ hội chốt giá bán khuya 24-1-2020. “Bọn tôi rất muốn “đẩy” rồi nhưng nhận định giá sẽ “vắt” và còn lên nữa, nên thôi”, một bạn hàng khác giải thích.

Cú chơi khăm của thị trường
Trên sàn kỳ hạn, thỉnh thoảng có hiện tượng được gọi là “vắt giá”, tức giá tháng giao dịch gần nhất (tháng 3-2020) bằng hay cao hơn tháng xa (5-2020).

Khi xuất hiện “vắt”, người kinh doanh thường kỳ vọng giá sàn phái sinh sẽ được đẩy lên cao với lý do thị trường hay giải thích “thiếu hàng cục bộ”.

Nhưng đến phiên cuối tuần qua, giá giao dịch 2 tháng 3 và 5-2020 kè gần nhau và đến cuối phiên, hiện tượng vắt giá “tan nhanh như mây khói”. Nay trật tự lại đâu vào đó, giá tháng 3-2020 lại thấp hơn tháng 5 là 17 đô la.

Thu hoạch cà phê Arabica ở Đà Lạt. Nguồn: Giacaphe.com

Thật ra, đấy chẳng qua là một “chiêu độc” của những tay đầu cơ sành sỏi trên các sàn phái sinh. Đôi khi hàng giao không thiếu, nhưng họ dùng tiền để mua khống hàng kỳ hạn thật nhiều, tạo áp lực “như thiệt” lên giá tháng 3-2020 để bà con đừng bán.

Sau đó, chính những người này túa ra bán lại và đạp giá xuống sâu, để người khác phải treo các hợp đồng giá cao lại, một người có kinh nghiệm phân tích.

Trên thị trường nội địa, dù ngày đầu xuân chưa ai muốn mua bán, nhưng đằng thằng ra, giá trong nước hôm 25-1 phải rớt cả gần 1 triệu đồng mỗi tấn so với ngày 24-1-2020.

Nếu như trong một ngày bình thường, thị trường nội địa sẽ không ít nhốn nháo vì sàn London rớt đậm. Ước giá cà phê trong nước còn chừng 31-31,5 triệu đồng/tấn.

Quanh bàn cà phê sáng mồng 1 Tết có đến năm sáu anh em đồng nghiệp, mỗi người nhâm nhi ly cà phê của mình theo từng tâm trạng khác nhau. Có anh vui, nhưng cũng có nhiều người lo vì không biết khi quay lại thị trường liệu còn cơ hội.

Dù sao, diễn biến thị trường của ngày cuối năm âm lịch trên sàn kỳ hạn là một kinh nghiệm cho tất cả: giá cà phê phái sinh biến động khôn lường, cứ được giá là hãy mạnh tay bán. Không cần chờ đợi.

Vì chờ đợi, chính là mình để mất cơ hội giữa một biển thông tin khó xác định đâu là thực đâu là giả trên các thị trường tài chính.

Theo: Vietnambiz