Chuyện chống nóng cho vật nuôi

Mùa hè nóng nực, nhiều nông dân lo chống nóng cho mình thì ít, còn lo cho vật nuôi của mình gấp nhiều lần, vì nếu để vật nuôi của mình bị nóng đồng nghĩa với công việc làm ăn của họ sẽ bị thất thu, thậm chí nguy cơ trắng tay.

Xã Đồng Rui (Tiên Yên) là nơi nổi tiếng với các đầm nuôi tôm. Giữa cái nắng chang chang của mùa hè, nhưng ông Phạm Văn Chiêu, thôn 4, xã Đồng Rui là người nuôi nhiều tôm ở xã, vẫn quần cộc đầu trần, lo chống nóng cho những con tôm dưới ao nuôi nhà mình. Với ông, nắng nôi chẳng làm sao, nhưng với con tôm thì ông rất lo lắng khi nhiệt độ ngoài trời ngày càng cao. Ông Chiêu bày tỏ: “Làm cái nghề này lo nhất là mùa nóng, người thì chỉ bức bối khó chịu nhưng con tôm mà không chống nóng, thì đừng nuôi nữa cho nhẹ cái đầu, vì chăn nuôi như vậy là cầm chắc cái lỗ, hòa là may”.

Ông Chiêu bảo, trong gia đình ông, để chống nóng cũng chỉ dám sắm cái điều hòa nhưng phải sử dụng điện tiết kiệm, hàng tháng tiêu tốn vài triệu tiền điện là đã thấy xót xa. Thế nhưng với con tôm, chuyện chống nóng đầu tư vào tiền tỉ mà vẫn chưa thấm vào đâu. Ông Chiêu có 5 ao nuôi tôm với diện tích khoảng 20.000m2, ông đều áp dụng phương pháp nuôi ao vèo, gồm hệ thống ao được xây dựng bằng bê tông được lót bạt phủ đáy để dễ vệ sinh khử độc khi hết vụ nuôi và chống nóng rất tốt. Các ao còn được ông Chiêu đầu tư hệ thống quạt nước rất quy mô để làm mát nước.

Dù các ao nuôi tôm đã được đầu tư bạt phủ đáy và hệ thống quạt nước rất quy mô nhưng ông Phạm Văn Chiêu vẫn chưa an tâm việc chống nóng cho tôm.
Dù các ao nuôi tôm đã được đầu tư bạt phủ đáy và hệ thống quạt nước rất quy mô, nhưng ông Phạm Văn Chiêu vẫn chưa an tâm việc chống nóng cho tôm.

Tuy nhiên, ông Chiêu vẫn không an tâm với cái nắng như thiêu, như đốt hàng ngày và lo ngay ngáy chuyện chống nóng cho tôm. Ông đầu tư hệ thống chống nóng bằng các nhà kín khung thép, tấm lợp bằng nhựa trắng hoặc phủ lưới chống nóng cho 3.000m2 ao hồ. Chỉ vậy thôi, mà đã ngốn đi của ông hơn 1 tỷ đồng, nếu đầu tư trên tất cả ao đầm, tiền sẽ gấp khoảng 7 lần. Với doanh nghiệp nhỏ của ông Chiêu thì số tiền này phải đi vay, mà vay được với khoản lãi phù hợp đâu có dễ. Ông Chiêu đành áp dụng giải pháp tăng lượng nước trong ao đầm, thường xuyên thay nước và phát huy hết khả năng của hệ thống quạt nước. Theo ông, với cách làm này rất mất nhiều công, nhưng chưa chắc đã hiệu quả bằng làm hệ thống nhà bạt chống nóng.

Ông Chiêu đã đầu tư 3.000 m2 nhà bạt chống nóng cho tôm.
Ông Chiêu đã đầu tư 3.000 m2 nhà bạt chống nóng cho tôm.

Năm 2015, nhiều hộ nuôi tôm ở Tiên Yên đã rơi vào cảnh “mùa tôm chín” do thời điểm đó chưa đề cao việc chống nóng. Cái nóng của mùa hè đã biến các đồng tôm của họ giống như những chảo nước khổng lồ, luộc những con tôm thành màu đỏ. Thời điểm ấy (năm 2015) Tiên Yên có tổng diện tích nuôi tôm là 1.335,45 ha, của gần 500 hộ nuôi ở các xã Đồng Rui, Hải Lạng, Đông Ngũ, Đông Hải, nhưng có ước tích có khoảng 80ha nuôi tôm toàn huyện bị ảnh hưởng do nắng nóng. Tôm không chết cũng không lớn được, vậy là, nhiều hộ chỉ thu được đồng vốn về là đã mừng rồi.

Sau mùa hè đó,  đến nay, các hộ nuôi tôm ở Tiên Yên đều lo đầu tư vào chống nóng. Kể từ mùa tôm năm 2016 đến nay, nhiều hộ tiền thu hoạch tôm đều dồn vào chống nóng là chính.

Những người nuôi gà ở các huyện Miền Đông cũng đề cao việc chống nóng cho gà lên hàng đầu. Anh Hoàng Văn Cương, thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ (Tiên Yên), khi mở trang trại nuôi gà thương phẩm, anh Cương cũng trồng 2ha keo, nhưng không xác định thu hoạch keo mà mục đích chỉ là để lấy bóng mát cho gà.

Anh Hoàng Văn Cương, thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ (Tiên Yên) đã trồng 2ha keo chỉ với mục đích chống nóng cho gà.
Anh Hoàng Văn Cương, thôn Hà Giàn, xã Đông Ngũ (Tiên Yên) đã trồng 2ha keo chỉ với mục đích chống nóng cho gà.

Anh Nguyễn Văn Tuyền, sống ở thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân (Đầm Hà), hiện là Giám đốc HTX Huyền Tuyền. Theo anh Tuyền thì anh là người đầu tiên ở miền Đông áp dụng phương pháp dùng máy lạnh để làm mát cho gà.

Đầu tháng 6/2019, tại huyện Đầm Hà, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho sản phẩm gà bản Đầm Hà và HTX Tuyền Hiền ở xã Quảng Tân (Đầm Hà) là đơn vị được chọn, sản xuất giống gà bản bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cung cấp cho các hộ chăn nuôi toàn huyện.

Những con gà thương phẩm, anh Tuyền có thể thả chúng kiếm ăn ở đồi keo, thế nhưng gà đẻ, gà ấp trứng, gà con anh Tuyền nuôi trong nhà có gắn hệ thống làm mát và máy lạnh. Anh Tuyền đã xây dựng trang trại gà rộng gần 2 ha để nuôi gà đẻ, gà ấp trứng hàng năm cung cấp cho thị trường 80.000 con gà giống. Anh Tuyền đầu tư 3 giàn lạnh và 4 hệ thống quạt gió để làm mát cho gà, như vậy mới tránh được dịch bệnh cho gà.

Mùa nắng nóng vẫn còn kéo dài và những người nông dân vẫn đang nỗ lực chống nóng cho vật nuôi, với phương châm “thà mình chịu nóng chứ quyết không để vật nuôi phải nóng”.