Chuẩn bị nguồn cung thịt lợn phục vụ Tết Nguyên đán

 Trước lo lắng của nhiều người về nguồn cung thịt lợn không đủ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2020, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, nguồn cung thịt lợn cho Thủ đô sẽ đảm bảo cho nhân dân ăn Tết.

Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm

Nói về nhu cầu tiêu dùng thịt lợn dịp Tết, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tổng số đàn lợn đã giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, nhưng sản lượng hơi xuất chỉ giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 12/2019, sản lượng lợn hơi xuất chuồng dự kiến là 22.250 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng Tết. Trong đó, nguồn cung nội tại của thành phố đáp ứng được khoảng 60%, từ các tỉnh là khoảng 40%. Hà Nội cũng chưa tính toán đến nguồn nhập khẩu vì đã cơ bản đáp ứng đủ.

chuan bi nguon cung thit lon phuc vu tet nguyen dan

Nhu cầu thịt lợn của người tiêu dùng giảm thời gian qua vì giá tăng

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, dự báo nhu cầu mặt hàng thịt lợn trong tháng Tết của người dân Thủ đô là khoảng 22,3 nghìn tấn; trong đó, từ ngày 1 đến ngày 16/12, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trên địa bàn Thủ đô là 11.125 tấn, dự kiến cả tháng 12 đạt 22.250 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng Tết.

Về nguồn thịt lợn NK, theo báo cáo Bộ Công Thương, 10 tháng năm 2019 cả nước NK thịt lợn đạt 96.000 tấn, tăng 101,7% so với cùng kỳ năm 2018. Thịt lợn NK nhiều nhất từ Ba Lan, Đức, Hoa Kỳ, Hà Lan… Riêng tại Hà Nội, 11 tháng năm 2019 NK thịt lợn qua Hải quan Hà Nội đạt 64,44 kg; nửa đầu tháng 12/2019 không có thịt lợn NK qua Hải quan Hà Nội. “Lượng thịt lợn NK qua Hải quan Hà Nội là rất nhỏ, chủ yếu là hàng mẫu đi theo đường hàng không. Các DN NK thịt lợn thường đi container theo đường biển vào các cảng tại Quảng Ninh, Hải Phòng”, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin.

Cũng theo bà Lan, từ đầu tháng 12 đến nay, tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, như Vinmart, Intimex, Hapro… và tại một số chợ, lượng thịt lợn tiêu thụ chậm, lượng bán giảm từ 5% – 20% so với tháng 11 do người dân cũng chủ động sử dụng các thực phẩm thay thế khác khiến giá của các sản phẩm này tăng so với tháng 11. Cụ thể, thịt gà tăng 10- 15%, thịt bò tăng 4%, thủy hải sản tăng 12%, trứng gia cầm tăng 5%….

Về phía DN, để chuẩn bị nguồn cung ứng thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng, đại diện Công ty Cổ phần Vissan- đơn vị cung ứng thịt lợn cho các hệ thống siêu thị lớn cho biết, DN đã chuẩn bị 7.500 tấn hàng hoá cho dịp Tết, trong đó thịt lợn, thịt bò tươi sống ước khoảng 2.500 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ.

Với riêng mặt hàng thịt lợn, dịp Tết, trung bình mỗi ngày DN cung cấp ra thị trường 1.000-1.500 con. Ngoài sản phẩm lợn truyền thống, Vissan sẽ cung cấp sản phẩm thịt lợn đông lạnh, đóng gói trọng lượng 1-2 kg để đáp ứng thị trường khi giá thịt lợn biến động.

Lo ngại việc găm hàng tăng giá

Để tránh hiệu ứng tăng giá đồng loạt theo bà Lan, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý trường hợp lợi dụng, găm hàng, đẩy giá bán thịt lợn lên cao bất hợp lý gây mất cân đối trên địa bàn; Sở Tài chính Hà Nội tổ chức việc kiểm tra chấp hành quy định về giá bán hàng thịt lợn trên địa bàn để tránh trường hợp giá bán mặt hàng thịt lợn tăng bất hợp lý gây mất cân đối cung cầu.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp Tết, Sở Công thương Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các DN NK chủ động nhập mặt hàng thịt lợn, DN phân phối sản phẩm thịt lợn trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các DN chăn nuôi tập trung có phương án bảo đảm nguồn cung cấp thịt lợn cho thị trường. Đồng thời, xây dựng phương án dự phòng khai thác các sản phẩm thịt thay thế sản phẩm thịt lợn trong trường hợp thị trường xảy ra thiếu hàng để đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ cho nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, Sở cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Hải quan TP và các đơn vị liên quan để nắm bắt thông tin về các cơ sở sản xuất, chăn nuôi có khả năng cung ứng mặt hàng thịt lợn ngay cho thị trường để kịp thời tổ chức kết nối, cung cấp thông tin cho các đơn vị giết mổ, phân phối, khai thác đưa về Hà Nội phục vụ người dân.

“Cho đến thời điểm này, nguồn cung thịt lợn cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn. Trong đó, nguồn cung nội tại của thành phố đáp ứng được khoảng 60%, từ các tỉnh khoảng 40%. Hà Nội cũng chưa tính toán đến nguồn nhập khẩu vì đã cơ bản đáp ứng đủ”, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nêu.

Về phía người tiêu dùng, bà Trần Thị Phương Lan cũng khuyến cáo người chăn nuôi giữ lợn thịt chờ giá vì khi lợn nuôi quá lứa hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi. Đặc biệt, nếu ai cũng găm hàng, sẽ đến một lúc nào đó tất cả đều đổ ra thị trường thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ. “Ngành Nông nghiệp vẫn nói giá lợn hơi chỉ 40- 42.000 đồng/kg là người chăn nuôi đã có lãi, vậy tại sao DN chăn nuôi lại đẩy giá lên 90- 93.000 đồng/kg như hiện nay, do vậy có thể có tình trạng một số DN găm hàng, bán ra cầm chừng nên phải kiểm tra và xử lý”, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nêu.