Chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Ngày 18/11/2019, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 8625/BNN-TY về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

Theo báo cáo của các địa phương, phản ánh của người dân, doanh nghiệp NTTS và các cơ quan truyền thông, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình dịch bệnh thủy sản, nhất là dịch bệnh trên tôm nuôi và cá tra xảy ra trầm trọng ở nhiều địa phương, cụ thể: 1. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là hơn 5.600 ha; một số vùng nuôi xuất hiện bệnh Vi bào tử trùng nhưng cũng không được địa phương báo cáo hoặc có báo cáo nhưng diện tích mắc bệnh ít; 2. Dịch bệnh trên cá tra xảy ra ở nhiều nơi, nhưng các địa phương không nắm rõ và báo cáo chỉ có 65 ha là chưa chính xác, chưa sát thực tế; 3. Dịch bệnh trên tôm hùm, ngao/nghêu, cá biển… xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa được các địa phương báo cáo đầy đủ; 4. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cực đoan đã gây thiệt hại lớn trong NTTS, làm tổn thất về kinh tế của người dân, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Theo báo cáo, đánh giá của các cơ quan chuyên môn thú y và thủy sản, số liệu dịch bệnh và kết quả giám sát dịch bệnh động vật thủy sản tại một số địa phương chưa chính xác, chưa đầy đủ và chưa phản ánh đúng thực tế diễn biến dịch bệnh đang xảy ra; nhiều địa phương không báo cáo cập nhật theo đúng quy định về các ổ dịch hoặc hiện tượng thủy sản chết bất thường, gây khó khăn cho việc chỉ đạo sản xuất và tổ chức phòng, chống dịch bệnh; làm ảnh hưởng xấu đến phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản (một số doanh nghiệp xuất khẩu báo cáo có nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu bị trả về vì dịch bệnh, chất tồn dư, ảnh hưởng lớn tới uy tín của thủy sản Việt Nam; các nước nâng mức cảnh báo và áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với thủy sản Việt Nam). Để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng nêu trên, cũng như để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành và UBND các cấp của địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

1. Xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí triển khai kế hoạch chủ động phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Công văn số 7362/BNN-TY ngày 3/10/2019.

2. Chấn chỉnh và thực hiện nghiêm việc báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh thủy sản. Để bảo đảm tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương cần rà soát, kiện toàn bộ máy cơ quan thú y của địa phương, đặc biệt tại cấp thôn/ấp, xã, huyện; phân công và giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các cấp, các cơ quan, cá nhân có liên quan để triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường, quản lý nguồn nước xả thải vào các vùng nước tự nhiên; lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh để phát hiện sớm ổ dịch, cảnh báo kịp thời cho người NTTS và có cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch.

4. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch; kịp thời phát hiện và chống dịch bệnh khẩn trương, xử lý môi trường theo các quy định hiện hành; hướng dẫn và đẩy mạnh xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

5. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn của địa phương khẩn trương tổng hợp, báo cáo số liệu cụ thể về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản từ năm 2017 – 2019, bao gồm:

a. Kết quả chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch, dự phòng hóa chất, bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản của địa phương;

b. Hệ thống và quy trình báo cáo dịch bệnh động vật của địa phương; kết quả điều tra ổ dịch, giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán bệnh động vật thủy sản; công tác xử lý ổ dịch, xử lý thủy sản chết bất thường; tập huấn chuyên môn, thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh thủy sản;

c. Kết quả hỗ trợ xuất khẩu thủy sản, xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất, vùng an toàn dịch bệnh và giám sát vùng nguyên liệu thủy sản;

d. Thực trạng công tác tổng hợp, báo cáo (đột xuất, định kỳ) diện tích nuôi, diện tích bị thiệt hại và bị dịch bệnh, kết quả giám sát dịch bệnh, nhất là đối với các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của địa phương.

e. Những khó khăn, tồn tại bất cập và đề xuất, kiến nghị của địa phương.