Cấy lúa bằng máy giảm lượng giống

Nhiều năm qua ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã triển khai cho nông dân tiến bộ KHKT sản xuất lúa như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và cơ giới hóa nhằm giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 – 100kg/ha theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT.

Nông dân áp dụng cấy lúa bằng máy giúp tăng thêm thu nhập từ 2 – 4 triệu đồng/ha so với sạ bằng tay

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiếu Bình, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh hiện có 20 thành viên. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa vào SX đã giúp họ đạt lợi nhuận cao. HTX liên kết với nông dân trong khu vực SX lúa theo cánh đồng lớn khoảng 1.200ha, trong đó chuyên SX lúa giống 300ha, còn lại là lúa thương phẩm.

Ông Nguyễn Cao Khải, GĐ HTX Nông nghiệp Hiếu Bình cho biết: HTX SX lúa giống khoảng 5 năm nay, ban đầu với diện tích 75ha nay đã tăng lên 300ha. HTX duy trì diện tích này và sẽ tiếp tục mở rộng khi có thêm DN bao tiêu. Thời gian qua, lúa của HTX được nhiều DN lớn ở ĐBSCL đến bao tiêu. Để đáp ứng tiêu chuẩn của DN, HTX áp dụng quy trình cấy tay với mật độ thưa (khoảng 60 – 62kg lúa giống/ha) và các kỹ thuật canh tác mới. Gần đây, xã viên mạnh dạn áp dụng cấy lúa bằng máy trên diện tích 12ha, lúa đều hàng hơn và cho năng suất cao hơn cấy tay.

Cấy lúa bằng máy với mật độ thưa, khoảng 45 – 60kg lúa giống/ha tùy theo vụ. Nông dân Nguyễn Văn Chương, xã viên HTX Hiếu Bình SX 6ha lúa giống nhiều năm nay. Chuyển từ cấy tay qua cấy máy đã 4 vụ lúa, anh Chương cho biết: “Cấy máy khử lúa lẫn dễ dàng hơn, khi thu hoạch chất lượng lúa giống được đảm bảo. Cấy máy chi phí cao hơn so với sạ khoảng 500 nghìn đồng/công tầm lớn, nhưng giảm được chi phí giống, phân, thuốc BVTV và năng suất nhỉnh hơn so với gieo sạ. Tính ra cấy máy có hiệu quả cao hơn. Lúa cấy mật độ thưa cây cứng cáp, lúa ít sâu bệnh, hạn chế đổ ngã; chi phí phân thuốc giảm đáng kể, số lần phun xịt thuốc giảm (khoảng 2 – 3 lần phun) và bảo vệ sức khỏe người SX".

SX lúa giống áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, cấy bằng máy, lúa giống của anh Chương bán cho công ty được giá cao hơn so với giá lúa thường trên thị trường khoảng vài trăm đồng/kg. Nhờ vậy, vụ ĐX vừa qua, 6ha SX lúa giống, anh bán với giá 6.100 – 6.200 đồng/kg được hơn 320 triệu đồng, trừ chi phí anh còn lãi hơn 170 triệu đồng. Theo so sánh của anh Chương, mô hình SX lúa giống của anh có lợi nhuận cao hơn so với nông dân làm lúa thường bên ngoài khoảng 2 – 4 triệu đồng/ha.

Còn nông dân Đỗ Trường Chinh, SX lúa giống bằng phương pháp cấy tay diện tích 2ha được khoảng 4 năm nay. Vụ ĐX 2017-2018, anh thu hoạch được 20 tấn, bán giá 6.450 đồng/kg được gần 130 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 70 triệu.

Ông Chinh cho biết: “Trước đây, tôi gieo sạ đến 30kg/công tầm lớn, sau đó giảm xuống còn 20kg. Nhưng từ khi cấy với mật độ thưa, ít sâu bệnh, khâu chăm sóc lúa dễ dàng, năng suất có thể cao hơn gần 1 tấn/ha so với gieo sạ”.

Cũng theo ông Chinh, nhiều nông dân trong khu vực đã áp dụng cấy máy, hiệu quả hơn so với cấy tay, nhưng do cấy đồng loạt trong khi số lượng máy cấy chưa nhiều, không thể đáp ứng hết nhu cầu của họ.

Ông Nguyễn Cao Khải, GĐ HTX Nông nghiệp Hiếu Bình cho hay, HTX đang được Dự án VnSAT hỗ trợ đầu tư xây dựng lò sấy công suất 40 tấn/mẻ sấy, kho chứa 1.000 tấn và trạm bơm phục vụ diện tích 1.200ha. Tới đây, HTX sẽ kiến nghị dự án hỗ trợ thêm máy trang, máy cấy lúa, máy gặt đập liên hợp, máy tách hạt để xã viên có điều kiện áp dụng cơ giới hóa các khâu SX.

“Khi có được máy trang đất bằng phẳng, máy cấy thì xã viên HTX và nông dân trong khu vực sẽ có điều kiện mở rộng diện tích cấy bằng máy, nhất là trong tình hình hiện nay, nhân công trong nông nghiệp ngày càng thiếu, sau này khó cấy tay. HTX được hỗ trợ đầu tư máy cấy sẽ giúp giảm giá thành SX”, ông Khải nói.

Theo Nongnghiep.vn