Cấp bách sửa chữa đập hồ Núi Cốc

Trên cơ sở phương án của đơn vị tư vấn thủy lợi, ý kiến đóng góp của các chuyên gia về thủy lợi của Việt Nam, phương án sửa chửa đập chính hồ Núi Cốc đã được thống nhất với 3 nhiệm vụ…

20-18-57_1

Hiện đang chạy nước rút sửa chữa đập hồ Núi Cốc

Hai thành phố sẽ bị ‘nhấn chìm’ nếu vỡ đập hồ Núi Cốc

Vẻ đẹp thanh bình của hồ Núi Cốc​

Sau chương trình hiến kế được coi là hội nghị Diên Hồng của các chuyên gia đầu ngành thủy lợi Việt Nam để thống nhất giải pháp sửa chữa sự cố thấm đập chính hồ Núi Cốc, từ ngày 19/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên liên tiếp xảy ra mưa lớn kéo dài. Thực tế đó buộc tỉnh phải nỗ lực chạy đua khẩn trương sửa chữa thân đập chính.

Trên cơ sở phương án của đơn vị tư vấn thủy lợi, ý kiến đóng góp của các chuyên gia về thủy lợi của Việt Nam, phương án sửa chửa đập chính hồ Núi Cốc đã được thống nhất với 3 nhiệm vụ gồm: Sửa chữa lại đống đá tiêu nước; bóc lớp bê tông lát mái phía hạ lưu và khoan phụt tạo màng chống thấm tại thân đập.

Theo ông Tăng Quốc Chính, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Tổng cục Thủy lợi) thì dự báo năm nay mưa lũ sẽ xuất hiện nhiều. Vì vậy, trong quá trình thi công luôn phải đặt công trình trong tình trạng xấu nhất có thể xảy ra để cảnh báo cho nhân dân sẵn sàng phương án, kế hoạch hạn chế thấp nhất hậu quả mang lại.

Từ nhận định trên, Thái Nguyên đã thành lập Hội đồng tư vấn để kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình sửa chữa đập hồ Núi Cốc. UBND tỉnh cũng yêu cầu Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, liên tục báo cáo kết quả quan trắc thời tiết, diễn biến của đập chính. Công điện của tỉnh yêu cầu các địa phương hạ du hồ Núi Cốc gồm TP Thái Nguyên, huyện Phú Bình, TP Sông Công và TX Phổ Yên rà soát và sẵn sàng triển khai phương án di dân trong trường hợp xả lũ.

Được biết, đối với quy trình vận hành công trình hồ Núi Cốc, không chỉ trong quá trình sửa chữa mà khi lũ lớn xuất hiện, uy hiếp an toàn công trình thì phương án phá đập phụ để cứu đập chính cũng đã được tính đến. Cơ quan được phân giao thực hiện nhiệm vụ trên là Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên.

20-18-57_3

Quá trình sửa chữa đòi hỏi đảm bảo an toàn tuyệt đối

Theo dự kiến, trước mắt, nguồn vốn sửa chữa đập chính sẽ là 47 tỷ đồng. Về lâu dài, việc hoàn thiện toàn bộ các giải pháp (cả cấp bách và lâu dài) để nâng cấp bền vững sẽ tốn 76 tỷ đồng. Ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh cho biết, ngay đầu tháng 7, trên cơ sở đơn vị tư vấn bổ sung, điều chỉnh hoàn thiện toàn bộ phương án sửa chữa, Hội đồng tư vấn, UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt và chọn đơn vị thi công triển khai thực hiện. Các hạng mục sẽ được song hành thi công trong thời gian sớm nhất.

Dự kiến ngay cuối tuần này, đơn vị thi công có thể bắt đầu làm việc. Phần việc quan trọng là khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ tim đập, dự kiến sẽ diễn ra trong 20 – 25 ngày. Phần bóc lớp bê tông lát mái hạ lưu, sửa chữa đống đá tiêu nước dự kiến hoàn thiện trong 45 ngày. Dù điều kiện thời tiết bất thuận song mọi công việc phải xong trong tháng 08/2017 để tích nước đảm bảo tính chất đa chức năng của hồ.

Ngay sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành thì tháng 10/1978, hồ Núi Cốc đã xuất hiện lũ lớn vượt tần suất thiết kế làm vỡ mang tràn xả lũ khiến hàng chục người chết, gây thiệt hại nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân. Tháng 7/2013, hồ lại xuất hiện lũ lớn kéo dài gây nguy hiểm, uy hiếp sự an toàn đập đất và các công trình đầu mối. Lũ lớn làm ngập một vùng rộng lớn, tiếp tục gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu xung quanh hồ và 2 bên bờ sông Công.

Tháng 7/2014, trước diễn biến bất thường của thời tiết, Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã phải xả nước qua tràn xả lũ đêề phòng lũ và đảm bảo an toàn công trình. Liên tiếp các năm 2015, 2016 nhiều thời điểm mưa lũ xảy ra dồn dập với cường độ ngày càng mạnh khiến hồ Núi Cốc như “quả bom nước” nơi đầu nguồn TP Thái Nguyên, TP Sông Công và TX Phổ Yên…

Theo Nông nghiệp