Cải tạo sân thượng nhà phố thành vườn sinh thái

Đam mê làm vườn, anh Hòa Nguyễn (Dã Quỳ), hiện sống ở TP HCM, từng kiến tạo nhiều khu vườn cây cảnh, bể thủy sinh… cho bản thân và những người bạn.

Anh thích “nhuộm xanh” không gian sống của mình bằng những loại cây dễ trồng, dễ kiếm. Ngôi nhà của gia đình anh hiện nay cũng được thiết kế giống như một hội quán thủy sinh để mọi người cùng sở thích lui tới học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Suốt thời gian gắn bó với công việc thiết kế, thi công cảnh quan, anh Hòa Nguyễn quan sát thấy sân thượng của các ngôi nhà phố được đa số chủ nhân sử dụng “phung phí”. Khoảng không này theo anh hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để cây xanh phát triển tốt như nắng, gió, độ ẩm và đặc biệt ít côn trùng phá hoại, nên nếu biết cách tận dụng có thể “hô biến” thành một khu vườn sinh thái là nơi thư giãn, vui chơi cho cả gia đình trong điều kiện “tấc đất, tấc vàng” hiện nay.

Sân thượng tầng 3 trước chỉ dùng để... phơi củ kiệu mỗi dịp Tết nay là khu vườn xanh mát.

Sân thượng tầng 3 trước chỉ dùng để… phơi củ kiệu mỗi dịp Tết nay là khu vườn xanh mát.

Anh Hòa cho biết điều đầu tiên cần nghĩ đến khi muốn làm vườn trên sân thượng là hệ thống thoát nước nhanh và chống thấm hiệu quả; kế đến là các bước tạo dốc, tạo nhẵn. Những khâu này quan trọng hàng đầu nên anh Hòa Nguyễn khuyên chủ nhà nếu chưa thực sự am hiểu thì không nên tự làm.

Các nguyên liệu chủ yếu được sử dụng để làm hoa viên trên sân thượng gồm có:

– Tấm thoát nước sàn: Bạn có thể mua loại bằng nhựa bán sẵn trên thị trường, lưu ý chọn loại có thương hiệu uy tín, kích thước chuẩn, chân nhỏ đủ chịu lực và có độ hở để nước chảy.

– Vải địa: Loại dùng cho công trình cầu đường.

– Chất trồng: Các loại có trọng lượng nhẹ, giữ ẩm tốt nhưng thoát nước nhanh.

Hồ nuôi cá nhỏ được làm bằng một chiếc lốp ô tô và trồng cỏ xung quanh.

Hồ nuôi cá nhỏ được làm bằng một chiếc lốp ô tô và trồng cỏ xung quanh.

Về cách thực hiện, anh Hòa Nguyễn chia sẻ: Sau khi trải tấm thoát nước (vỉ nhựa) cho diện tích muốn trồng, bạn dùng vải địa phủ kín lên trên. Công dụng của vải là để thoát nước và giữ lại chất trồng.

Bước chuẩn bị chất trồng theo kinh nghiệm bản thân, anh Hòa dùng hạt gốm (loại giá thể trồng thủy canh) rải một lượt, rồi thêm lớp vải địa; kế đến là trấu sống – lưới che nắng Thái Lan – trấu hun trộn xơ dừa. Độ dày của chất trồng tối thiểu là 10 cm.

Khi đã xong lớp chất trồng, bạn có thể thiết kế và trồng cây theo ý thích. Anh Hòa khuyên nên trồng kín cỏ để tạo màu xanh và tránh làm khô, vương vãi chất trồng. Thẩm mỹ của khu vườn phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của mỗi người nhưng nguyên tắc chung là không nên trồng cây thân gỗ, cây cổ thụ trực tiếp xuống sàn (trên lý thuyết vẫn được nhưng sẽ kém an toàn); các vật nặng như hòn non bộ, bể cá chứa nhiều nước nên đặt ở vị trí gần trụ cột, tránh làm oằn sàn. Bạn cũng nên thiết kế hệ thống tưới tự động để đảm bảo cây luôn tươi tốt, giảm thời gian chăm sóc.