Cách bảo quản cà chua chín sau khi được “giải cứu”

Người dân ở Hà Nội và một số tỉnh thành đã chung tay tham gia “giải cứu” nông sản cho nông dân Hải Dương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, trong đó có cà chua chín. Nhiều người đã chọn mua với số lượng lớn để ăn dần. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo quản cà chua để giữ được phần lớn hương vị và độ tươi ngon của loại quả này.

Bảo quản cà chua trong tủ lạnh

Với cà chua chín đỏ, bạn nên bọc cà chua bằng giấy, để ở ngăn tủ lạnh có mức nhiệt độ khoảng từ 2-5 độ C. Bên cạnh đó, bạn có thể điều chỉnh độ ẩm trong tủ lạnh để bảo quản nếu cầu kì hơn, cũng là để giữ cho cà chua không bị quá héo, nhăn. Độ ẩm phù hợp trong quá trình bảo quản từ 85-90%. Với cách làm này thì cà chua sẽ giữ được khoảng 5 – 7 ngày.

Với cà chua ương có màu hồng nhạt, bạn có thể bảo quản ở nhiệt độ 5 độ C trong 4 ngày. Khi nào gần ăn, bạn nên tăng nhiệt độ bảo quản cà chua hoặc để ra ngoài vài ngày để quả chín nhanh hơn.

Nếu cà chua còn xanh, bạn nên để ở nhiệt độ phòng cho cà chua chín dần, sau đó mới để vào ngăn mát tủ lạnh. Không nên bảo quản ở nhiệt độ quá thấp trong tủ lạnh bởi vì việc này sẽ làm cà chua bị khô và mất nước, lâu chín, đồng thời giảm đi hương vị của cà chua.

Có một mẹo nhỏ nhưng sẽ giúp cà chua vừa bảo quản trong tủ lạnh được lâu hơn, vừa giữ được hình thức và hương vị của cà chua, đó là bạn hãy lót một lớp giấy ăn hoặc giấy báo giữa các lớp cà chua, không nên để hỗn độn, xếp cà chua chồng lên nhau để tránh cà chua bị dập.

Bảo quản cà chua chín ở nhiệt độ phòng

Rửa sạch cà chua rồi cho vào nồi hấp chín. Khi chúng đã chín mềm thì bóc vỏ, để thật nguội, nghiền nhuyễn rồi lọc bỏ hạt. Bỏ một chút muối vào cà chua nghiền, đem đun lên cho sền sệt và để nguội.

Rửa sạch lọ/chai, lau khô hoàn toàn rồi mới đổ cà chua nghiền vào cho đến khi gần đầy miệng chai. Tiếp theo đun sôi một ít dầu ăn, để nguội rồi đổ một lớp vào miệng chai. Dầu ăn có tác dụng ngăn vi khuẩn và không khí tiếp xúc với cà chua phía dưới.

Bảo quản chai cà chua ở nơi khô ráo, thoáng mát. Khi mở chai nào ra ăn mà không ăn hết thì bỏ vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần. Với cách làm này, cà chua sẽ được bảo quản cả năm mà không sợ hỏng.

Ăn cà chua đúng cách

Cà chua là một loại thực phẩm phổ biến trong số các loại rau củ quả mà chúng ta ăn hàng ngày.

Cà chua rất giàu vitamin A, trung bình 100g cà chua chín tươi sẽ đáp ứng được 13% nhu cầu hằng ngày về vitamin A, vitamin B6, vitamin C. Cà chua còn rất giàu các chất vi lượng như canxi, sắt, kali, phospho, magiê, nickel, cobalt, iod, các axid hữu cơ dưới dạng muối citrat, malat… Chính nhờ các yếu tố ấy mà cà chua được xem là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Mặc dù chứa nhiều dưỡng chất nhưng một số người dưới đây không nên ăn nhiều cà chua…

Người bị các vấn đề về dạ dày:

Cà chua chứa nhiều axit, ăn nhiều có thể gây trào ngược, ợ nóng. Những người mắc viêm dạ dày hoặc trào ngược thực quản không nên ăn cà chua.

Người bị viêm khớp:

Cà chua chứa solanine, chất kiềm gây tích tụ canxi trong các mô. Chất này tích tụ quá nhiều có thể gây viêm, đau và sưng ở khớp.

Người có vấn đề về thận:

Cà chua rất giàu oxalate, hợp chất rất khó chuyển hóa nếu tiêu thụ quá mức. Cùng sự tích tụ canxi trong các mô, điều này có thể dẫn đến sỏi thận.

Người mắc vấn đề về tiết niệu:

Thực phẩm giàu axit như cà chua có thể kích thích bàng quang. Nếu bạn bị đi tiểu không tự chủ hoặc các vấn đề về tiết niệu, tốt nhất là nên tránh hoặc cắt giảm các thực phẩm này.

Người đang uống thuốc đông máu:

Trong cà chua có chứa vitamin K gây tác động lên thuốc chống đông máu, cho nên ăn cà chua trong thời điểm này sẽ không tốt cho người bệnh.