Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cơ cấu lại lịch thời vụ gieo cấy

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, từ ngày 11 đến 20-3, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm theo xu thế xuống dần.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long  cơ cấu lại lịch thời vụ gieo cấy

Gieo cấy lúa tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp).

Trên một số sông đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc |cùng kỳ như Yên Thượng -0,18 m, Nam Đàn -0,70 m, Trà Khúc -0,25 m… Tổng lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 – 80%, một số sông thấp hơn 85%; riêng ở Hà Tĩnh và Quảng Ngãi cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 2 – 15%.

Dung tích phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đạt từ 50-85% dung tích thiết kế. Dung tích các hồ chứa thủy điện phổ biến chiếm từ 40 – 95% dung tích hồ chứa (DTHC), một số hồ có DTHC ở mức thấp hơn 40% như Cửa Đạt, Vĩnh Sơn, Trà Xom, KaNak.

* Trong 10 ngày tới, khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng, các tỉnh Đông Nam Bộ có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 – 37oC, Tây Nam Bộ nhiệt độ phổ biến từ 32 – 34oC, cục bộ có nơi xuất hiện nắng nóng. Độ ẩm trưa chiều giảm khá thấp, chủ yếu dao động chính trong khoảng từ 45 – 55%. Mực nước thượng lưu sông Mê Công biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1 – 0,5 m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,20 m; tại Châu Đốc 1,35 m tương đương cùng kỳ năm 2016. Từ ngày 21 đến 31-3, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng nhẹ, sau đó giảm dần. Riêng độ mặn tại một số trạm Long An, Cà Mau duy trì ở mức cao, chiều sâu ranh mặn 1g/l.

* Nhờ dự báo sớm tình trạng hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2019 – 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô này. Các dự án đầu tư xây dựng do ngành nông nghiệp quản lý đã đẩy nhanh tiến độ thi công vượt kế hoạch từ 6 đến 13 tháng và đã đưa năm dự án tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12-2019 và tháng 1-2020. Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000 ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000 ha.

* Vụ đông xuân 2019 – 2020, toàn tỉnh Gia Lai gieo trồng khoảng 1.500 ha dưa hấu, tập trung chủ yếu tại huyện Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa, và Kông Chro. Tại tỉnh Đắk Lắk, dưa hấu trồng nhiều ở các huyện Krông Ana, Krông Bông, Cư Kuin… với hơn 100 ha. Hiện các chủ vườn đã thu hoạch gần hết. Phần lớn dưa hấu hai tỉnh được xuất bán sang Trung Quốc. Thời điểm nông dân thu hoạch dưa năm nay đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, giá dưa giảm xuống còn từ 700 – 1.500 đồng/kg.

* Các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gấp rút hoàn thành việc cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi để sẵn sàng thả giống tôm. Ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn về khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2020. Theo đó, tại các vùng nuôi ven sông, với đối tượng nuôi là tôm sú chỉ nên nuôi một vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15-4 và kết thúc trước ngày 30-6. Với tôm thẻ chân trắng có thể nuôi từ 1 – 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ ngày 15-4 đến 30-6 đối với vùng có bờ ao thấp, dễ bị ngập lụt để tránh phát sinh dịch bệnh.

* Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam, trong tổng số 42.500 ha lúa đông xuân của tỉnh đang làm đòng rộ và sắp sửa trổ bông, hàng chục héc-ta đang bị bệnh đạo ôn đe dọa. Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ mầu đen ở đoạn cổ giáp tai lá, về sau lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, hiện xâm nhập mặn diễn ra rất gay gắt, trên các sông chính, độ mặn đã cao hơn nhiều so với năm 2016. Hạn mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân tại các huyện vùng hạ của tỉnh. Ước tính, gần 4.200 ha lúa, 1.220 ha thanh long, hơn 6.520 ha chanh… bị thiệt hại do thiếu nước tưới.

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng, hiện tượng xâm nhập mặn đang ảnh hưởng diện tích trồng rau, màu ven sông Cẩm Lệ. Nhiều diện tích rau ở vùng rau La Hường và khoảng 30 giếng khoan nước ngầm lấy nước tưới tại đây đã nhiễm mặn. Chi cục khuyến cáo người dân nên ít trồng các loại rau cần nhiều nước tưới để hạn chế thiệt hại.

* Theo UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều trường hợp khoan, đào giếng trái phép để khai thác nước ngầm. Tình trạng đua nhau khoan, đào giếng dẫn đến số lượng giếng nước ở Lý Sơn gia tăng nhanh, từ 546 giếng (năm 2014) đến nay tăng lên 2.100 giếng. Điều này gây ra hệ lụy việc sử dụng dung lượng nước chỉ cho phép ở mức 16.000 m3/ngày nhưng lại khai thác lên đến hơn 23.000 m3/ngày làm cho nguồn nước ngọt trên đảo Lý Sơn ngày càng cạn kiệt.

* Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (Bến Tre) hiện nước mặn xâm nhập đã đe dọa trực tiếp đến 8.575 ha cây ăn quả và 1.300 ha cây giống, hoa kiểng của huyện Chợ Lách; trong đó có khoảng 20 triệu sản phẩm cây giống như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi… đã bắt đầu ghi nhận thiệt hại do mẫn cảm với nước mặn.

* Trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa ba vụ/năm, mà cày ải, phơi đất, chờ mưa xuống mới tiến hành gieo sạ lúa hè thu chính vụ. Theo đó, lịch gieo sạ lúa hè thu 2020 của tỉnh Kiên Giang được chia làm bốn đợt. Đợt 1 từ ngày 20 đến 30-3, gieo sạ một phần các huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng và Giang Thành; đợt 2 từ ngày 15 đến 25-4, phần còn lại của các huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng và một phần của huyện: Châu Thành, Hòn Đất; đợt 3 từ ngày 15 đến 25-5; đợt 4 từ ngày 5 đến 25-6, bao gồm các vùng phía nam quốc lộ 80, khu vực ven sông Cái Bé, Cái Lớn, các huyện vùng U Minh Thượng và các vùng còn lại.

* Tại tỉnh Đồng Tháp, trong vụ lúa hè thu 2020 sẽ giảm diện tích lúa, tăng cường diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái. Lịch xuống giống vụ lúa HT đối với vùng sản xuất ba vụ, chia làm hai đợt xuống giống: Đợt 1 từ ngày 20 đến 27-2, diện tích xuống giống đợt này khoảng 60.000 ha; đợt 2 từ ngày 17 đến 24-3, ước diện tích xuống giống khoảng 60.000 ha.