Cà phê lao đao vì mưa kéo dài

Năm nay thời tiết trên địa bàn Tây Nguyên diễn biến thất thường, mưa kéo dài ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê.

Mưa lớn kéo dài vào thời điểm cà phê đang chín rộ khiến quả thối rụng. Chưa hết, hiện tượng hoa bung nở trong lúc thu hoạch còn làm giảm năng suất, chất lượng cà phê vụ kế tiếp.

Cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Tây Nguyên đúng lúc nông dân đang bước vào vụ thu hoạch khiến nhiều diện tích cà phê bị quật đổ. Chị Đinh Thị Ngân ở thôn Xuân Lạng 1, xã Ea Đah, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có 400 cây cà phê đang cho thu hoạch bị bão quật gãy cành lá, trái non, già vùi lẫn dưới đất. Tiếc của, chị phải bới từng gốc nhặt quả, vớt vát thiệt hại. Năm trước chị thu được 2 tấn cà phê nhân nhưng nay chỉ được 1 nửa, năm sau còn giảm nữa do nhiều cây gãy chết.

10-39-26_chi_ngn_nht_tung_qu_c_phe_su_bo

Chị Ngân nhặt từng quả cà phê sau mưa bão

Sau bão, tiếp tục xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài làm chậm tiến độ thu hoạch, phơi sấy cà phê. Nhà chị H’ Djuang Niê ở buôn xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) có hơn 5 sào cà phê nhưng cả tháng nay vẫn chưa thu hoạch xong.

Theo chị H’ Djuang, tầm này mọi năm nhà chị đã thu hoạch xong cà phê nhưng hiện tại vẫn phải vừa hái, vừa phơi rất tốn thời gian. “Trời mưa liên tục, cà phê hái về đổ đầy sân không phơi được nên không dám thu hoạch nữa. Gọi là hái chứ nhặt dưới gốc là phần nhiều vì cà phê chín quá rụng trắng gốc. Nước mưa thấm vào làm quả nở tét, nhân bị thâm đen, bán mất giá.

Năm vừa rồi thu được 3 tấn, năm nay cao lắm là 2 tấn, hiện giá cà phê bán ra cũng giảm từ 50 nghìn đồng/kg (2016) xuống còn khoảng 36 nghìn đồng/kg. Để tiết kiệm chi phí thu hoạch, nhà tôi tự hái hoặc đi đổi công ở các nhà khác chứ không dám thuê nhân công", chị H’ Djuang chia sẻ.

10-39-26_c_phe_chin_rung_kho_thu_hoch

Cà phê chín rụng khó thu hoạch

Không riêng Đắk Lắk, nông dân các tỉnh khác cũng lao đao vì thời tiết. Ông Vương Đình Danh (51 tuổi, ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) có 2ha cà phê chín rộ vẫn chưa thu hoạch xong do khát nhân công. Từ đầu vụ đến nay ông đã thuê 10 nhân công từ các tỉnh miền Trung vào hái nhưng được vài ngày thì họ phải quay về khắc phục hậu quả mưa lũ tại quê nhà. Số người còn lại do không quen với khí hậu nắng mưa thất thường nên tiếp tục bỏ về khiến tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra trên diện rộng.

Ông Danh xót ruột cho biết: “Ở đây nhà nào cũng có cà phê nên họ lo thu hoạch cho xong phần mình. Giờ tôi mới tìm thêm được vài nhân công nên năn nỉ họ cố hái hết vụ chứ nhà tôi không thể xoay xở hết 2ha đang chín đỏ trên cây. Với tình hình thời tiết, giá cả như hiện nay tôi chỉ mong đủ vốn để tiếp tục đầu tư cho vụ sau”.

Nỗi lo mất mùa vụ đang hiện hữu thì hiện tượng hoa cà phê nở trắng cành khi việc thu hái chưa xong càng khiến nông dân lo lắng hơn. Thông thường, sau khi kết thúc thu hoạch, vườn cà phê phải trải qua một mùa nắng nữa để dưỡng chất dồn lên búp hoa, lúc này người dân mới tưới nước tập trung cho cây nở hoa đều, khả năng đậu quả cao và cho trái chín đúng mùa vụ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, mưa kéo dài sang mùa khô khiến cây ra hoa nhiều khi đang thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Việt ở huyện Cư M’gar có vườn cà phê nở hoa khi đang thu trái cho hay, mưa nhiều làm gián đoạn việc thu hoạch, giảm năng suất, chất lượng cà phê cho vụ hiện tại, lại kích thích hoa nở sớm, ảnh hưởng đến vụ năm sau.

10-39-26_thu_hoch_c_phe_gin_don_vi_thoi_tiet

Thu hoạch cà phê gián đoạn vì thời tiết mưa kéo dài

Giờ anh đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” nếu hái quả khi hoa đang nở sẽ gây rụng hoa chắc chắn làm giảm năng suất vụ sau. Còn nếu kiên nhẫn chờ hoa khô rụng rồi mới hái thì quả chín quá, rơi hỏng, vừa nhọc công thu hoạch, nâng suất cũng giảm.

Đằng nào cũng ảnh hưởng nên anh và một số hộ khác chọn cách tuốt bỏ bông hoa nở sớm, khi thu hoạch quả xong thì cho cây nghỉ một thời gian rồi tưới nước để kích thích cho hoa ra đồng loạt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo Nongnghiep.vn