Bón cho cây ăn trái 16-16-16+TE hay 13-13-13+TE?

Trong mấy năm qua, khi khuyến cáo sử dụng phân Đầu Trâu bón cho các loại cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam, Công ty phân bón thường khuyến cáo bà con sử dụng loại phân Đầu Trâu NPK 16-16-16+TE.

Nội dung khuyến cáo là sau khi tỉa cành, tạo tán, bón đủ cơ số các loại phân hữu cơ, nếu nền đất bị chua (pH dưới 5,5) thì xử lý đất bằng vôi nung và khử trùng bằng nấm Tricoderma, thì hàng tháng chỉ cần sử dụng một loại phân Đầu Trâu NPK 16-16-16+TE để bón, liều bón thay đổi từ 300 – 500g/cây, tùy tình trạng thực tế sức khỏe của cây và thời gian khoảng 1,5 – 2 tháng bón 1 lần đối với xoài, bưởi, cam, quýt. Còn đối với chanh, ổi Đài Loan hay mãng cầu liều bón ít lại khoảng 150-200g/cây, mỗi tháng bón 1 lần.

Làm theo hướng dẫn này người trồng cây ăn trái nhận thấy vừa tiện lợi, đơn giản lại có hiệu quả cao. Trong phân NPK 16-16-16+TE chất N xuất xứ từ 2 nguồn. Nguồn từ N03- và nguồn khác từ NH4+. Nguồn N từ N03- rất thích hợp khi bón trên loại đất không ngập nước, cây dễ sử dụng và hiệu quả sử dụng cao hơn. Ngược lại, ở các tỉnh miền Bắc, công ty thường khuyến cáo cho bà con sử dụng loại NPK 13-13-13+TE cho các loại cây ăn trái.

Vậy khuyến cáo này có gì khác nhau? Nhìn trên bao bì thì 2 loại phân này có tỷ lệ giữa N:P:K đều là 1:1:1, nghĩa là hàm lượng từng chất trong một loại phân là bằng nhau. Nhưng loại phân 16-16-16-TE có hàm lượng các chất N-P-K cao hơn loại phân 13-13-13 mỗi thứ 18,7% hay 3kg/100kg phân. Loại phân NPK 13-13-13+TE tiện cho người muốn bón liều thấp. Khi muốn bón liều cao bằng phân NPK16-16-16+TE thì chỉ cần gia cố thêm số lượng bón là được.

Theo hàm lượng ghi trong phân, nếu bạn muốn bón phân NPK 13-13-13+TE có chất N bằng loại 16-16-16+ TE thì thay vì chỉ bón 100kg bạn tăng thêm khoảng 23kg nữa là bằng chất đạm khi bạn bón 100kg 16-16-16+TE.

Ở các tỉnh miền Bắc công ty cũng đã cho khảo nghiệm cả 3 dạng phân 13-13-13+TE, 15-15-15+TE và 16-16-16-TE. Cả 3 dạng phân này khi bón liều có chất N bằng nhau thì kết quả thu được cũng tương đương nhau. Nhưng khi lựa chọn thì nông dân thích dùng loại NPK 13-13-13+TE hơn, một phần vì giá của phân này rẻ hơn, phần khác do bà con chỉ bón liều phân thấp, tiện dụng, có thể sử dụng cả cho lúa,các loại đậu, khoai và rau…

Vì vậy, Bình Điền khuyến cáo với bà con sử dụng loại phân NPK13-13-13+TE gọi là phân 3 số 13 bón cho các loại cây ăn trái ở các tỉnh miền Bắc, còn ở các tỉnh miền Nam thì bà con sử dụng loại NPK 16-16-16-TE.

Những khuyến cáo này vừa dựa trên kết quả thực nghiệm vừa dựa trên sở thích của người sử dụng. Trong thực tế ta cũng thấy nông dân các tỉnh miền Nam thích dùng các loại phân có hàm lượng dinh dưỡng cao như DAP hay NPK 20-20-15, trong lúc bà con ở các tỉnh miền Bắc lại ít ưa chuộng các chủng loại phân này.

Tập quán đó được hình thành có lẽ một phần do lịch sử bắt đầu sử dụng phân khoáng tạo nên. Ví dụ, ở các tỉnh miền Bắc bắt đầu sử dụng phân khoáng từ những năm 60 của thế kỹ 20, phần lớn là dùng Super lân, rồi NPK 5-10-3, và SA (đạm sunphat) là chủ lực, liều bón cũng rất hạn chế. Mỗi nhân khẩu chỉ giới hạn trong phạm vi 3 sào ruộng, khoảng 1.000m2/nhân khẩu.

Vì vậy, ruộng đất đối với bà con là rất quý, sử dụng bất kỳ tiến bộ kỹ thuật nào vào đồng ruộng cũng hết sức thận trọng. Từ đó mà việc sử dụng loại phân khoáng có hàm lượng dinh dưỡng thấp đã trở thành thói quen. Mặt khác phân có hàm lượng dinh dưỡng thấp thì đi kèm với giá rẽ, phù hợp với túi tiền đầu tư.

Có lẽ do những nguyên nhân như vậy đã ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn chủng loại phân bón khác với các tỉnh ở 2 miền Nam – Bắc có khác nhau. Do đó cùng các loại cây ăn trái mà miền Nam sử dụng phổ biến NPK 16-16-16+TE còn các tỉnh miền Bắc là NPK 13-13-13-TE. Thiết nghĩ đấy cũng là sự lựa chọn thông minh và hợp lý.