Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nhiều cơ hội để ngành cà phê bứt phá, phát triển

Từ ngày 9-11/12, chương trình “Ngày cà phê Việt Nam lần thứ nhất” năm 2017 sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam tổ chức hội thảo thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường

Phát biểu trước sự kiện lớn của ngành cà phê, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các Bộ, ngành tổ chức các chuỗi sự kiện của Ngày cà phê Việt Nam trong đó có Hội thảo thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam. “Cà phê là cây trồng có vị trí quan trọng đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt của Việt Nam, có diện tích lớn thứ 4 trong số các cây trồng nông nghiệp sau lúa, ngô và cao su. Ngành sản xuất cà phê thu hút hơn 600.000 nông dân sản xuất trực tiếp, chưa kể nguồn nhân lực lao động phục vụ chế biến, thương mại, dịch vụ hậu cần và vật tư nông nghiệp” – Bộ trưởng khẳng định.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Theo Bộ trưởng, Tây Nguyên được coi là vương quốc của Cà phê và cây cà phê đã gắn liền với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa của vùng. Từ sau năm 1975, ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, có tốc độ phát triển nhanh về quy mô; hình thành các vùng chuyên canh cà phê vối tập trung ở Tây Nguyên, cà phê chè ở Tây Bắc; từng bước xây dựng nền công nghiệp chế biến cà phê đa dạng phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Nếu năm 1975, diện tích cà phê cả nước chỉ có 13 nghìn ha, đến năm 2016 diện tích đã đạt 645 nghìn ha (tăng 50 lần so với năm 1975), góp phần quan trọng tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê trong những năm qua. Trước 1986, năng suất cà phê Việt Nam thấp hơn năng suất cà phê thế giới. Đến năm 2016, năng suất cà phê Việt Nam đạt 24,5 tạ/ha, cao gấp 3 lần năng suất trung bình cà phê thế giới. Đây là yếu tố quan trọng tăng khả năng cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam.

Hiện nay, sản phẩm cà phê Việt Nam xuất khẩu đến 80 quốc gia trên thế giới, chiếm 14 % thị phần cà phê nhân xuất khẩu thế giới, đứng thứ 2 sau Brazil. Các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Đức, Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bỉ và Nga hiện đang chiếm tới 56% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2016, xuất khẩu cà phê đạt trên 1,78 triệu tấn với  kim ngạch đạt trên 3,4 tỉ USD, chiếm trên 10 % tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp cả nước. Đặc biệt, ngoài xuất khẩu cà phê nhân theo truyền thống, Việt Nam đã xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan chế biến sâu đạt trên 300 triệu USD chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Để có được bước phát triển trên, ngành cà phê đã triển khai đồng bộ các giải pháp như chọn tạo giống mới, tái canh cà phê, áp dụng tưới nước tiết kiệm, trồng xen, tổ chức chứng nhận chất lượng, hợp tác công tư, tổ chức hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi, hiện đại hóa khâu chế biến, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

Theo các báo cáo cho thấy, dư địa cho ngành sản xuất và chế biến cà phê của Việt Nam còn khá lớn. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới (cà phê nhân) của thế giới liên tục tăng trong 6 năm qua với tốc độ tăng trưởng 2,54%/ năm. Với tốc độ tăng trưởng này, nhu cầu tiêu thụ cà phê của thế giới vào 2020 sẽ là 10,5 triệu tấn. Dự kiến nhu cầu đến tiêu thụ đến năm 2030 tiếp tục tăng trưởng khoảng 2-2,5% và có thể lên tới 13 triệu tấn/ năm. Trong khi đó sản lượng trung bình của thế giới chỉ tăng từ 2-2,3% và dự kiến đến 2020 chỉ đạt 10,2 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung thiếu hụt so với nhu cầu khoảng 300-500 ngàn tấn.

Về giá trị thương mại cà phê tươi và cà phê chế biến, số liệu năm 2012 cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu cà phê nhân của toàn thế giới ước gần 13 tỷ USD, trong khi đó tổng giá trị thương mại cà phê đạt 485 tỷ USD. Như vậy, giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến là vô cùng lớn. Ở nước ta hiện nay, chế biến trong nước hiện nay chỉ đạt từ 10-11% tổng sản lượng sản xuất (sản xuất trong nước gần 1,5 triệu tấn/ năm), tốc độ tăng trưởng chỉ hơn 1%/năm.

Để tiếp tục thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam theo hướng bền vững, trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ đặc biệt đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê, tập trung đầu tư thâm canh bền vững để nâng cao năng suất và chất lượng. Phấn đấu đến năm 2020 năng suất cà phê bình quân đạt 2,6 – 2,7 tấn nhân/ha và đạt khoảng 3 tấn vào năm 2030. Bên cạnh đó, cần có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy sản xuất.

Qua 56 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm Nông trường cà phê Đông Hiếu, ngành cà phê Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc. Đó cũng chính là sự thể hiện lòng biết ơn và tình cảm vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ngày 10 tháng 12 hàng năm đã đi vào lịch sử và trở thành ngày truyền thống của ngành cà phê Việt Nam. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định lấy ngày 10/12 là Ngày Cà phê Việt Nam. Đây là niềm vinh dự của ngành cà phê Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế./.

Nguồn Mard.gov.vn