Bỏ nghề thuyền trưởng, làm nông nghiệp sạch

Ðể nâng cao giá trị cây dứa, Nguyễn Văn Hạnh – Giám đốc HTX Nông sản Hạnh Phúc không chỉ xuất khẩu sản phẩm đi châu Âu, mà chàng trai xứ Nghệ này còn có tham vọng đồng hành cùng nông dân làm nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường.

Vừa làm vừa học trên mạng

Tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải, nhiều năm lênh đênh trên biển, Nguyễn Văn Hạnh (SN 1990) luôn trăn trở làm “điều gì đó” có ích cho vùng quê nơi mình lớn lên. Năm 2015, Hạnh quyết định bỏ công việc thuyền trưởng với mức thu nhập khá về quê làm nông. Hạnh nói, quyết định này xuất phát từ những lần mắt thấy, tai nghe các câu chuyện buồn về căn bệnh ung thư do ăn thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại.

Bỏ nghề thuyền trưởng, làm nông nghiệp sạch ảnh 1

“Nông dân” Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX Nông sản Hạnh Phúc bên những sợi dứa được tách ra từ lá dứa

Gốc nhà nông, nhưng quay về làm nông cũng không dễ. Dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm sau vài năm lênh đênh trên biển, Hạnh mua được 2,7ha đất đồi và bắt tay vào trồng dứa. Quyết định của anh gặp phải sự phản đối, can ngăn của nhiều người thân. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, anh ngày đêm tìm hiểu các kiến thức về trồng trọt, chăm sóc dứa một cách bền vững, hạn chế tác động đến môi trường. Hạnh từng nhiều lần nản chí bởi những khó khăn, áp lực liên tiếp ập đến.

“Mỗi lần nản, tôi đều nghĩ đến lý do làm ra nông sản sạch có lợi cho sức khỏe, mà có sức khỏe thì sẽ có hạnh phúc. Đó là lý do các sản phẩm của tôi làm ra được mang tên Hạnh Phúc”, Hạnh chia sẻ.

Vừa làm vừa học trên mạng internet, rồi “quả ngọt” cũng đến với chàng trai trẻ khi những lứa dứa đầu tiên thu hoạch được các thương lái khen dứa đẹp. Thừa thắng xông lên, Hạnh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng dứa lên hàng chục ha, đến nay cho thu hoạch đều đặn trên 300 tấn dứa mỗi năm.

Là người trồng dứa, Hạnh thấy sau mỗi vụ thu hoạch người nông dân tốn rất nhiều chi phí để xử lý phần lá dứa, thậm chí mọi người còn dùng thuốc diệt cỏ để cây dứa cháy khô rồi đốt, ảnh hưởng đến sức khỏe và có nguy cơ làm cháy rừng. Mày mò tìm hiểu trên mạng, anh mới biết ở nhiều nơi trên thế giới, người ta tách thành sợi lá làm nguyên liệu dệt may. Anh liền dùng bàn chải đánh thủ công lá dứa để lấy sợi. Thấy cách làm này quá kém hiệu quả, anh cùng một số thợ cơ khí nghiên cứu, chế tạo ra máy đánh sợi.

“Đầu tư một chiếc máy tách sợi khoảng 50 triệu đồng nhưng có thể tách được hơn 3 tấn lá dứa một ngày, tách được gần 2 kg sợi khô từ 100 kg lá dứa tươi, năng suất tương đương 20 người làm thủ công”, Hạnh cho biết.

Làm nông nghiệp sạch cùng nông dân

Sau nhiều lần thử nghiệm, Hạnh cho ra đời những sản phẩm đầu tiên từ sợi lá dứa. Từ túi xách đan thủ công đến túi xách cao cấp ép bằng lá dứa, võng đan, đồ thủ công mỹ nghệ… ra đời và được thị trường châu Âu chú ý. Đầu tháng 9/2021, tại buổi triển lãm Gwand Sustainable Festival lần thứ 12 ở Lucern (Thụy Sĩ), sản phẩm thời trang túi xách làm từ lá dứa của Hạnh đã được chào đón nồng nhiệt. Sản phẩm được đánh giá cao bởi tính thân thiện môi trường, bền vững, mang lại giá trị cho người dân bản địa. Từ đây, Hạnh có những đơn đặt hàng đầu tiên để đưa sợi lá dứa ra thế giới.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Nguyễn Văn Hạnh vinh dự được trao giải thưởng Lương Ðịnh Của năm 2021; top 10 /400 dự án cuộc thi Làng tác động Techfest Việt Nam 2021, vào bán kết cấp quốc gia; top 9 dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 7.

Ông chủ 9X Nguyễn Văn Hạnh hiện sở hữu trang trại với diện 44 ha, liên kết, hỗ trợ bà con, tạo việc làm cho hơn 50 lao động là thanh niên, phụ nữ và bà con dân tộc thiểu số Thái, Thổ ở địa phương. Hạnh chia sẻ, trong tương lai, cậu muốn tập trung phát triển HTX Nông sản Hạnh Phúc và dự án xuất khẩu sợi lá dứa, nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con trong vùng.

“Không chỉ tạo ra những sản phẩm sạch, mục tiêu lớn hơn của tôi là đồng hành cùng bà con nông dân làm nông nghiệp sạch, không lạm dụng hóa chất, không sử dụng chất cấm làm ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân và người dùng sản phẩm”, Hạnh nói thêm.