Bình Định ‘phòng thủ’ dịch cúm gia cầm

Tỉnh Bình Định có tổng đàn vịt trên 2 triệu con, trong khi tỉnh láng giềng là Phú Yên đã xuất hiện dịch cúm gia cầm (CGC) H5N6 trên đàn vịt, bởi thế Bình Định đang lo ngay ngáy…

Mối lo này càng được nhân lên cao độ bởi người chăn nuôi trong tỉnh có truyền thống nuôi vịt chạy đồng. Có thể những đàn vịt chạy đồng ở Phú Yên “dắt bệnh” về. Vì vậy ngành nông nghiệp Bình Định đang tăng cường giải pháp phòng chống.

08-47-58_1
Đàn vịt được xuất kinh phí hỗ trợ vacxin tiêm phòng định kỳ

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm cuối năm. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển đàn gia cầm gặp nhiều bất lợi, bởi thời tiết đang bước sang mùa mưa, nhiệt độ thấp, sức đề kháng của vật nuôi giảm. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm phát sinh.

Khi nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm gia cầm trên thị trường tăng cao thì ắt nhiên thị trường tiêu thụ sẽ sôi động hơn, tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt sẽ tăng tốc, theo đó, virus các loại dịch bệnh có nguy cơ xâm nhiễm vào đàn gia cầm là không thể tránh khỏi.

Đáng quan ngại là một bộ phận người chăn nuôi vẫn còn chủ quan lơ là trong việc phòng chống dịch bệnh. Khi phát hiện gia cầm có hiện tượng lạ hoặc nghi bị nhiễm bệnh, một số hộ không báo cáo với ngành chức năng mà tự chữa trị bằng những biện pháp dân gian, hoặc tự giết mổ để bán. Cũng có một số trường hợp vứt xác gia cầm xuống sông, suối, gây ô nhiễm môi trường và rất dễ phát sinh dịch bệnh.

Trước tình hình trên, theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, nhằm phòng chống dịch bệnh có hiệu quả cho đàn gia cầm, bên cạnh việc hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tiêm phòng.

Hiện Bình Định đã thực hiện 2 đợt tiêm gần 5,2 triệu liều vacxin CGC cho gần 3,9 triệu con gà và vịt; đồng thời phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi sau khi tiêm phòng. Công tác kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển động vật ra vào tỉnh cũng được tăng cường. Chi cục còn thường xuyên lấy mẫu huyết thanh của đàn gia cầm tại các địa phương trong tỉnh gửi xét nghiệm tại cơ quan Thú y vùng IV Đà Nẵng nhằm phát hiện và chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

08-47-58_2
Người chăn nuôi Bình Định có truyền thống nuôi vịt chạy đồng

Ông Nguyễn Văn Quốc khuyến cáo, để công tác phòng chống dịch CGC H5N6 đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành thú y, chính quyền và người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm, nhất là đối với thời điểm nhạy cảm hiện nay.

“Chi cục đã có văn bản yêu cầu Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố tham mưu các phòng chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch CGC. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, tăng cường các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi”, ông Quốc nói.