Bình Định: Làm giàu nhờ sự nhạy bén trong tư duy sản xuất

Đó là chị Đặng Thị Hạnh, 43 tuổi, ở thôn An Điềm, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, Bình Định. Với bản tính siêng năng, chịu khó và sự nhạy bén trong làm ăn, chị đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai ở địa phương và đầu tư sản xuất có hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và trở thành tấm gương điển hình về sản xuất giỏi ở địa phương.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, chồng không may bị tai nạn mất sớm nhưng với quyết tâm không cam chịu nghèo khó và mong muốn lo cho các con một cuộc sống đầy đủ, chị Đặng Thị Hạnh phát triển sản xuất các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao, kết hợp chăn nuôi bò sinh sản. Theo đó, với 01ha đất màu của gia đình, chị luân phiên sản xuất các loại cây trồng cạn được coi là thế mạnh của địa phương như: đậu phộng (lạc), dưa hấu, bắp lai (ngô lai), dưa leo (dưa chuột), bí đao, dưa lê, mè (vừng)… Nhờ tích cực đầu tư chăm sóc, khoan giếng khai thác mạch nước ngầm để chủ động bơm tưới; đồng thời nắm bắt được cơ cấu mùa vụ cũng như đưa các giống mới có năng suất cao và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình thâm canh chăm sóc nên diện tích cây trồng cạn và hoa màu của gia đình chị luôn phát triển tốt, cho năng suất ổn định ở mức cao. Đặc biệt, rút kinh nghiệm qua thực tiễn sản xuất cũng như tính toán được thời điểm thu hoạch, chị luôn lựa chọn đưa vào sản xuất những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo từng mùa vụ. Nhờ đó, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Hạnh thu lãi trên 100 triệu đồng từ cây trồng cạn.

Chưa dừng lại ở đó, tận dụng diện tích đất vườn và nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, chị Hạnh còn đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi bò sinh sản. Hiện, đàn bò của gia đình chị có 8 con, trong đó có 2 bò đực giống và 6 bò cái sinh sản. Nhờ lựa chọn con giống kỹ lưỡng, chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ nên đàn bò của gia định chị sinh trưởng tốt và sinh sản đều, không những tạo nguồn phân chuồng dồi dào để bón cho cây trồng mà mỗi năm gia đình chị còn bán được khoảng 6 bê con với tổng thu nhập gần 100 triệu đồng. Tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình chị gần 200 triệu đồng/năm, nhờ đó chị Hạnh có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm máy cày và lo cho các con ăn học đầy đủ. Hiện tại, con trái lớn của chị đang là sinh viên năm 2 Trường đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh và con gái nhỏ đang là học sinh trung học cơ sở. Thương mẹ vất vả, các con của chị Hạnh đều chăm ngoan, học giỏi và biết giúp đỡ mẹ những công việc gia đình những lúc rảnh rỗi.

Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, chị Hạnh đầu tư chuồng trại nuôi bò sinh sản

Chị Đặng thị Hạnh cho biết: “Ở nông thôn, ngoài làm nông nghiệp thì cũng chẳng biết làm gì. Vì vậy, tôi quyết định lựa chọn trồng trọt và chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, khi mới làm cũng gặp rất nhiều khó khăn do sâu bệnh, mất mùa, giá cả thấp… nhưng làm rồi rút kinh nghiệm dần dần nên cũng thành công. Qua thực tế sản xuất, tôi thấy để cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, cho năng suất và hiệu quả cao thì trước tiên phải chú trọng khâu chọn giống, giống phải tốt, đảm bảo chất lượng. Thứ hai là phải chuyên cần vì có chuyên cần, thường xuyên chăm sóc, theo dõi, phát hiện dịch bệnh kịp thời thì mới xử lý hiệu quả. Thứ ba là phải tính toán, lựa chọn cây trồng thích hợp theo từng mùa vụ, phải lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết ở địa phương và mùa đó, người ta ít trồng thì khi thu hoạch sẽ có giá bán cao, thu lợi nhuận lớn… Nhờ thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt mà gia đình tôi có được cuộc sống ổn định, thoải mái”.

Không những làm kinh tế giỏi, chị Đặng Thị Hạnh còn tham gia tích cực các phong trào, hoạt động xã hội ở địa phương và nhiệt tình giúp đỡ những phụ nữ khó khăn. Với kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình, chị luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn để mọi người cùng học tập, áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Ngoài ra, chị còn sống rất chan hoà với bà con lối xóm, được mọi người quý mến và mới đây, chị vinh dự được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Định tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”.