Bình Định: Chủ động phòng trị bệnh cho cây hoa cúc

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Độ, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, với điều kiện thời tiết mưa nhiều, có nắng xen kẽ, cây cúc sẽ dễ bị một số loại sâu bệnh tấn công gây hại. Vì vậy, người trồng cúc cần phải “bắt đúng bệnh” thì việc phòng trừ mới có hiệu quả.

Thời gian từ nay cho đến khi cây cúc nở hoa để chơi Tết cũng là giai đoạn thời tiết mưa nhiều, có nắng xen kẽ nên ẩm độ trong ruộng cúc rất cao, thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại như sâu ăn lá, cắn đọt non, đục nụ; bệnh gỉ sắt, đốm đen, lở cổ rễ, héo xanh phát triển… Do đó, bà con trồng cúc phải theo dõi sát sao sự sinh trưởng, phát triển của cây cũng như dự báo thời tiết để “chẩn đoán” đúng đối tượng sâu, bệnh hại và có biện pháp phòng trừ hợp lý.

Ông Nguyễn Khoa Tân, 65 tuổi đã có thâm niên trồng hoa hơn 30 năm tại Làng hoa Bình Lâm (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), cho biết: Từ nay cho đến Tết, các loại sâu như sâu xanh, sâu khoang… khi còn nhỏ thường gây hại mặt dưới của lá, khi lớn chúng sẽ ăn lá, thân non, hoa; Bọ trĩ chích hút nhựa ở phần lá non và hoa của cây, làm biến dạng lá tạo nên những vết sẹo trên lá có dạng như vết bỏng dẫn đến giảm khả năng quang hợp của cây, khiến cây bị còi cọc không phát triển được, gây ra những vết sẹo trên lá hoặc làm mất màu sắc của hoa dẫn đến mất giá trị thẩm mỹ và hoa không đạt chất lượng. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng sâu hại đều có thuốc “điều trị”, còn nếu cây bị một số bệnh như bệnh héo xanh thì chỉ còn cách nhổ bỏ.

Theo dõi thời tiết và sự sinh trưởng, phát triển của cây để kịp thời có biện pháp phòng trị sâu bệnh hại trên cây hoa cúc

Trao đổi về một số bệnh hại cúc mà bà con cần phải đặc biệt chú ý, ông Nguyễn Văn Độ, cho rằng: Đối với các đối tượng sâu hại cây cúc, hầu hết đều có thuốc để phun tiêu diệt nhưng một số bệnh hại cúc thì bà con phải dùng biện pháp phòng là chính. Đặc biệt là các bệnh đốm lá, chú ý nhất là bệnh đốm đen do nấm gây nên nếu không được phòng trừ kịp thời thì sẽ gây ra hiện tượng “tuột lá chân”; bệnh héo xanh do vi khuẩn gây ra, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Đối với bệnh đốm đen, bà con cần theo dõi thời tiết, nếu như trời đang nắng mà thấy dự báo thời tiết sắp có mưa thì phải phun ngay một số loại thuốc gốc đồng để phòng bệnh này. Thứ hai là bệnh đốm đen thường phát sinh gây hại từ những lá già ở phần gốc cây trước nên bà con phải thu gom và đốt hoặc chôn lấp những lá héo, rụng, những lá có đốm bệnh để tránh lây lan.

Đối với bệnh héo xanh vi khuẩn, bà con chỉ có thể dùng các biện pháp phòng bệnh như: chọn cây giống sạch bệnh; tránh tổn thương cơ giới (ghim tre phải được nhúng qua nước vôi để sát khuẩn trước khi cắm vào chậu để định hình cây); nhổ bỏ cây bị bệnh và tưới thuốc gốc đồng vào chỗ đất của gốc cây bệnh để tránh lây lan sang các cây khác.

Tóm lại, để phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây cúc, bà con cần phải áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” – ông Độ khẳng định.