Biến đồi trọc thành trang trại hàng tỷ đồng

Gần 20 năm bỏ nhà mặt phố lên đồi, cần mẫn canh tác, chăn nuôi, bà Phùng Thị Thơ ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã biến mảnh đất cằn cỗi thành trang trại bạt ngàn xanh tươi.

Bà Phùng Thị Thơ trong vườn bưởi của gia đình

Nằm sâu trong con ngõ dẫn vào thôn Vật Yên (xã Vật Lại) là trang trại tổng hợp rộng 12 ha của gia đình bà Phùng Thị Thơ, 60 tuổi. Đường vào trang trại tấp nập ô-tô, xe tải, xe máy đến lấy hàng. “Cuối năm, các công ty đến lấy hàng nhiều, vợ chồng, con cái tôi cùng nhau làm mà không hết việc”, vừa cho đàn gà nghìn con ăn, bà Thơ vừa tiếp chuyện. Bà Thơ vốn là bộ đội phục viên, về quê làm ruộng. Ông Chu Trọng Nhung, chồng bà là kỹ sư cầu đường, công tác ở huyện, chỉ về nhà vào dịp cuối tuần.

Năm 1997, thực hiện chủ trương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bà Thơ bàn với chồng nhận 12 ha đất đồi. Năm đó, bạn bè, người thân ai cũng can ngăn, vì đất đồi chỉ toàn sỏi đá, không điện, không nước, đường đi heo hút, khó khăn. Vốn ham làm, bà Thơ nghĩ, nhất định có cách vỡ đất trồng cây. Một tháng liền, sáng nào bà cũng nắm cơm, dắt trâu lên đồi cày bừa, nhặt sỏi, đá để trồng sắn. Nhưng mưa đến đâu, nước trên đỉnh đồi tràn xuống đến đấy, cuốn trôi cả sắn, chỉ trơ lại những hòn đá to. Bà Thơ bỏ cuộc, quay về đồng cấy lúa.

“Ba năm sau, có việc đi ngang qua đồi, tôi giật mình, nhớ ra nhà mình còn có đất ở đây. Tôi trăn trở lắm, mấy đêm liền khó ngủ vì tiếc”, bà kể. Trong những đêm trăn trở đó, hình ảnh nông trường dứa trên đồi ở gần đơn vị đóng quân năm xưa xuất hiện trong tâm trí bà Thơ. Vì vậy, bà về bàn với chồng vỡ đất trồng dứa. Ông Nhung nhờ một người bạn là chuyên gia nông nghiệp lên đồi thăm đất. Người bạn nói “đất này trồng dứa phù hợp”, họ dọn nhà ở ngay ngã tư đường, lên đồi khởi nghiệp.

Chồng đi làm xa, bà Thơ nhờ bố mẹ chồng chăm con út, dẫn hai con lớn lên đồi khai hoang. Căn nhà nhỏ không điện, đêm đêm phải thắp đèn dầu. Không có nước ăn, bà phải đi tít ra đầu làng, cách nhà 300 m xách nước về dùng. Thanh Tùng, con trai cả của bà Thơ kể: “Tôi vẫn nhớ những ngày hè, mẹ tôi đi làm từ nửa đêm đến sáng, rồi cày bừa xuyên trưa, đến chiều. Hôm nào tôi đi học về cũng thấy mẹ đứng sẵn ở ngoài đường ngóng, mặt tươi rói. Mẹ bảo trên đồi vắng quá, chỉ mong tôi về cho có tiếng người”.

Hai vợ chồng bà Thơ bàn nhau mua máy cày chuyên dụng về cày bừa, nhưng sỏi đá nhiều nên máy hỏng liên tục. Biết máy móc không thắng nổi đất đồi hoang, bà Thơ cuốc, cày bằng tay. Sỏi đá đào lên, ba mẹ con lại nhặt đổ thành đống. Tháng 2, tháng 3 có mưa xuân, cày bừa đến đâu, gia đình bà Thơ nhặt sỏi, đá, rồi trồng dứa đến đấy. Vụ đầu tiên đã có lời, ông bà càng có động lực làm việc. Thu hoạch dứa, họ chặt bỏ gốc, thân rứa, ủ lại thành mùn để tạo chất dinh dưỡng cho đất. Hằng tháng, cán bộ nông nghiệp xã, huyện mở lớp tập huấn, bà lại mang sách, bút đến học để có thêm kiến thức. Khi đồi đã bớt cằn cỗi, vợ chồng bà Nhung trồng thêm cây ăn trái. Được bạn bè tư vấn, ông bà đào ao thả cá, mua lợn, gà đồi về thả.

Ông Nhung bàn với vợ xây rãnh lớn, đổ đầy sỏi, đá, làm đường đi. Hiện trang trại của ông bà có khoảng 5 km đường bê-tông tận dụng từ “nguyên liệu” có sẵn ấy.

Nhờ chăm chỉ, cần cù canh tác, quả đồi nhà bà Thơ nay đã có 2.500 cây bưởi, 150 nghìn cây dứa, một nghìn cây nhãn, chưa kể rau xanh, chè. Gia đình nuôi hàng nghìn con gà đồi, 300 con lợn rừng, cá…

“Hiện vợ chồng bà Thơ tạo việc làm cho khoảng 30 nhân công với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Ông bà là tấm gương sáng về sự chăm chỉ, hết mình trong lao động, biến đồi trọc thành đất vàng”, ông Phùng Huy Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại nhận xét.

Mới đây, bà Phùng Thị Thơ là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 được Hội Nông dân Việt Nam khen thưởng.