Biến 160 gốc nhãn cỏ thành nhãn ghép, thu thêm 300 triệu/vụ

Sau nhiều năm trồng giống nhãn cỏ nhưng không hiệu quả, đến năm 2015, bà Cà Thị Sai ở bản Pát, xã Chiềng Ngần (Tp.Sơn La) đã quyết định “biến” 160 cây nhãn cỏ thành nhãn ghép có năng suất, chất lượng cao. Vụ đầu tiên, bà đã thu về 300 triệu đồng từ việc bán quả nhãn tươi cho thương lái.

Năm 1992, vợ chồng ông Cà Văn Bun và bà Cà Thị Sai ở bản Pát, xã Chiềng Ngần (Tp.Sơn La)  được bố mẹ cho 3 ha đất để làm kinh tế. Cũng giống như nhiều gia đình khác ở Chiềng Ngần, ông bà đã dùng mảnh đất này để trồng các loại cây ăn quả với hi vọng sẽ kiếm được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Nhớ lại những ngày đầu làm trang trại, bà Sai kể: “Ngày xưa, chúng tôi ít tiền nên cũng chẳng đầu tư vào trang trại nhiều. Cây trồng chủ yếu là đi xin giống từ những nhà xung quanh, xin được cây gì thì trồng cây đấy. Vườn nhà tôi thì trồng đủ các loại cây như cây cà phê, mận, xoài, nhãn, ổi… Nhưng nhiều nhất vẫn là nhãn.”

“bien” 160 goc nhan co thanh nhan ghep, thu them 300 trieu/vu hinh anh 1

Vườn nhãn nhà bà Sai trồng lâu năm nên cây nào cây nấy đều rất to.

Cây nhãn hợp đất, lại được bà Sai chăm bón cẩn thận nên phát triển rất tốt, cho quả nhiều. Tuy nhiên, giống nhãn cỏ này cho quả bé, hạt to, lại bán được giá thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

“Mỗi năm chúng tôi chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng tiền bán quả nhãn cỏ. Tính ra là lỗ”, bà Sai nói thêm.

Năm 2015, qua tìm hiểu trên báo chí và tham khảo một số mô hình trồng nhãn ở địa phương, vợ chồng bà Sai nhận thấy cây nhãn ghép đang được đánh giá cao, cho quả to, ngọt, nhiều khách hàng ưa thích vì thế ông bà quyết định cải tạo lại vườn, chặt bỏ bớt cành nhãn cỏ và tiến hành ghép giống nhãn năng suất cao.

Vì mật độ cây nhãn trong vườn nhà nhiều, lại không đảm bảo khoảng cách đều giữa các cây, nên bà Sai đã phải chặt bỏ bớt một số cây và chỉ giữ lại những cây khỏe mạnh. Sau đó, bà cưa cành nhãn cỏ rồi lặn lội xuống một Trung tâm bán cây giống ở huyện Mai Sơn mua cành nhãn của những cây giống chất lượng cao về ghép vào.

“bien” 160 goc nhan co thanh nhan ghep, thu them 300 trieu/vu hinh anh 2

Những cành nhãn của cây nhãn cỏ được cưa ngắn và ghép các cành mới vào.

2 ông bà cứ cần mẫn vừa ghép cành nhãn mới, vừa chăm sóc cho cây thật khỏe. Trong năm ấy(2015), 160 gốc nhãn cỏ của gia đình bà đã được “biến” thành những gốc nhãn ghép với rất nhiều chồi non xanh mướt.

Sau 2 năm bỏ công sức, đến năm 2017 thì vườn nhãn ghép của bà Sai đã cho thu hoạch. Những quả nhãn to, tròn, vỏ căng bóng thực sự đã đem về “mùa vàng” cho gia đình bà, khi thu nhập từ cây nhãn ghép cao gấp 15 lần so với giống nhãn cũ.

Bà Sai phấn khởi lắm, bà cho biết: “Đấy là lần đầu tiên chúng tôi kiếm được số tiền nhiều như vậy. Vụ ấy, cây nhãn ghép nhà tôi vừa được mùa, được giá. Gia đình tôi bán được khoảng 20 tấn quả, với giá bán từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, tính ra chúng tôi thu được 300 triệu, đấy là chưa kể thu nhập từ cây cà phê được trồng xen dưới gốc nhãn và các loại cây ăn quả khác trong vườn.”

“bien” 160 goc nhan co thanh nhan ghep, thu them 300 trieu/vu hinh anh 3

Bà Sai đánh số cho cây nhãn để thuận tiện việc chăm sóc và quản lí.

Cũng theo chia sẻ của bà Sai, sở dĩ vườn nhãn nhà bà xanh tốt, cho quả to và đều như vậy là do tuân thủ các quy trình kĩ thuật trong chăm sóc nhãn. Trong đó quan trọng nhất là các giai đoạn tưới phân, cấp ẩm vào từng thời điểm như nảy chồi, ra hoa, đậu quả… Đặc biệt, khi những cành nhãn ghép bắt đầu nảy chồi và phát triển ổn định thì bấm ngọn, để tập trung dinh dưỡng phát triển cho cây và “ép” cây nẩy thêm những chồi mới.

“bien” 160 goc nhan co thanh nhan ghep, thu them 300 trieu/vu hinh anh 4

Nhờ được chăm sóc tốt nên cây nhãn ghép cho quả nhiều và đều quả

Với số tiền bán quả mà cây nhãn ghép mang lại, bà Sai dành để mua lưới sắt rào quanh vườn và mua thêm các loại phân bón chất lượng về chăm cây. Vụ mùa 2019 này, vườn nhãn nhà bà Sai đang cho quả chi chít, thương lái vào ngã giá 200 triệu. Tuy nhiên, gia đình bà không bán vì cho rằng năm nay vườn nhãn này sẽ cho thu nhập nhiều hơn mức giá ấy.