Bệnh đốm vàng hại bắp cải và cách điều trị

Câu hỏi: Vườn bắp cải nhà tôi có dấu hiệu của bệnh đốm vàng. Xin hỏi cách trị bệnh đốm vàng hại bắp cải?

Trả lời:

Xin chào ban!

Bệnh đốm vàng có thể gây hại trên nhiều loại cải, thường thấy nặng nhất trên bắp cải, nhất là trong mùa mưa.

Đây cũng là một bệnh hại rất phổ biến trong các vùng trồng bắp cải ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Bệnh có thể phá hại từ giai đoạn cây con, cây đã cuốn bắp và trên nhiều loại cây họ Cải khác.

Triệu chứng bệnh

Trên cây con, vết bệnh thường xuất hiện trên lá sò và thân non, màu đen, hình tròn hoặc hình bất định, bệnh nặng làm cây chết.

Trên cây đã lớn, vết bệnh hình thành trên lá hình tròn, có nhiều vòng đồng tâm màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, xung quanh có thể có quầng vàng.

Vết bệnh lớn, đường kính có khi đến 1 cm, nhiều vết bệnh có thể liên kết với nhau thành hình bất định.

Khi gặp trời ẩm ướt, trên mặt vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu đen.

Bệnh có thể xuất hiện ở cả giai đoạn sau thu hoạch, trong thời kỳ vận chuyển và bảo quản bắp cải trong kho làm lá bắp thối hỏng.

Nguyên nhân, đặc điểm phát sinh phát triển bệnh

Sợi nấm đa bào, phân nhánh màu vàng nâu. Cành bào tử phân sinh ngắn, đa bào, màu nâu nhạt, thẳng hoặc uốn khúc, không phân nhánh, mọc thành cụm hoặc riêng lẻ. Bào tử phân sinh đa bào, có nhiều ngăn ngang và ngăn dọc, nàu nâu nhạt, hình trái lựu đạn có vòi dài, kích thước khoảng 60-140 x 14-18 µm. Nấm gây bệnh là loại bán ký sinh, xâm nhập vào cây qua vết thương xây xát và qua vết hại của côn trùng.

Nấm tồn tại trên tàn dư lá bệnh và trên hạt giống ở dạng sợi nấm và bào tử phân sinh. Bào tử phân sinh lan truyền nhờ gió, nước mưa, nước tưới, côn trùng, dụng cụ và con người qua quá trình chăm sóc.

Bệnh phát sinh phát triển thuận lợi trong điều kiện ẩm ướt mưa nhiều, nhiệt độ khoảng 25 độ C. Bệnh phá hại mạnh trên những ruộng cải bắp thấp trũng, ứ đọng nước, mật độ trồng dày, nhất là các vụ trồng muộn và các giống chín muộn.

Hầu như chưa có giống bắp cải nào có tính chống bệnh. Nấm bệnh phá hại quả giống, sợi nấm có thể ăn sâu tới phôi hạt làm hạt lép.

Biện pháp phòng trừ

Sau khi thu hoạch cần thu dọn sạch tàn dư thân lá bệnh trên ruộng đem tiêu hủy.

Lấy giống từ cây và ruộng không bị bệnh. Quả để giống phơi khô cần đập lấy hạt ngay. Trong thời kỳ cây sinh trưởng cần ngắt tỉa lá già, lá bị bệnh, tưới nước vừa phải, lên luống cao tránh để ứ đọng nước trên ruộng.

Khi bệnh chớm phát sinh cần phun thuốc phòng trừ kịp thời, có thể phun dung dịch Zineb 80 WP; Rovral; Kasuran 50 WP. Hạt giống trước khi gieo cần được xử lý bằng nước nóng 50°C trong vòng 20-25 phút.

Nguồn: AgriMedia