Bất chấp nguy hiểm, những phu trầm vẫn nuôi giấc mộng kỳ nam

Bất chấp nguy hiểm rình rập, nhiều phu trầm ở Khánh Hòa vẫn lội khắp rừng sâu mong tìm được kỳ nam để nuôi mộng đổi đời.

Hàng chục phu trầm tìm kỳ nam ở rừng Khánh Sơn (Khánh Hòa). Ảnh: Thành Nguyễn

Hàng chục phu trầm tìm kỳ nam ở rừng Khánh Sơn (Khánh Hòa). Ảnh: Thành Nguyễn.

Chiều muộn, ngồi nhấp ngụm trà trong ngôi nhà cấp 4, dựng trên bãi đất hẹp ở xã Vạn Phước (huyện Vạn Ninh), ông Nguyễn Trọng Tiết (51 tuổi) khoe với nhiều người, năm 19 tuổi ông đã vác balô lên rừng tìm trầm. "Nghề này không khác gì canh bạc, có khi phải đánh cược sinh mạng vì lắm rủi ro", ông tâm sự.

Ông Tiết kể, mỗi chuyến đi rừng tìm kỳ nam kéo dài hơn chục ngày, đôi lúc suốt tháng. Trong balô, mỗi người mang theo hơn 10 kg gạo, muối và phải luôn có rựa, dũm (bộ dụng cụ soi trầm)…

Người đi địu (tìm trầm) bất kể nắng mưa, vượt hết đồi này sang núi nọ. Ngày băng rừng, lội suối lấy nước ven đường uống. Lúc đói, họ dựng bếp nấu cơm, lấy cây làm đũa, nắp nồi làm chén…

Tối đến, các phu trầm mắc võng giữa rừng, mặc muỗi đốt hay nguy cơ sốt rét. Xung quanh, họ đốt lửa xua đuổi thú dữ. "Người tìm kỳ nam phải có sức khoẻ và chịu khó, nếu không bỏ cuộc giữa chừng", người đàn ông nước da đen nhẹm thổ lộ.

Theo ông, đường rừng lắm hiểm nguy. Nhiều phiến đá lớn, chênh vênh trên đèo, có thể đổ sập xuống lúc nào. Dân tìm trầm luôn đối mặt sự khắc nghiệt "rừng thiêng nước độc". Ngoài ra, họ phải đối mặt với cướp, bị sát hại để lấy kỳ nam, tranh giành lãnh địa.

Năm 1987, ông Tiết cùng 11 người trong xã vừa đặt chân đến khu rừng Kon Plông (Kon Tum) đã lọt vào tầm ngắm của nhóm cướp. Hôm đó, lán trại vừa dựng xong, nhóm ngồi bàn kế hoạch, bất ngờ hơn chục người cầm súng xuất hiện.

"Họ khống chế, buộc chúng tôi ngồi xuống, xếp vòng tròn, còn hai tay ôm đầu. Chúng dọa người nào cựa quậy sẽ bắn chết. Sợ hãi, chúng tôi chỉ biết ngồi im, không dám phản ứng", ông Tiết nhớ lại lúc đối mặt toán cướp.

Lục lọi không thấy trầm, họ phá trại, lôi từng người ra đánh. Trước khi bỏ đi, nhóm cướp lấy hết mọi thứ, chỉ cho mọi người mặc chiếc quần cộc, áo ngắn tay. "Tối đó, núi rừng Kon Plông ẩm thấp cùng với cái lạnh, anh em đốt lửa, ngồi co cụm vừa sưởi ấm vừa phòng thú dữ", phu trầm kể.

Tầm 4h hôm sau, mưa tan. Bầu trưởng Tiết (người đứng đầu nhóm phu trầm) nói với mọi người trước đó đã kịp giấu được ít gạo, nồi và thịt mỡ khô trong bụi rậm, mang ra nấu lấy sức đi đường. "Không ngờ, nhóm cướp vẫn còn mai phục. Cho rằng chúng tôi nói dối, chúng tra tấn, đuổi khỏi rừng", ông Tiết nhớ lại.

Hơn 3 ngày đi bộ vượt rừng, họ đến được đồng bằng. Không đồng xu dính túi, mọi người tìm những thương lái thường mua trầm mượn ít tiền trở về nhà. "Chuyến đi ấy coi như lỗ vốn, cộng thêm nợ mới khiến chúng tôi gánh nhiều lo toan hơn", ông Tiết cho hay.

Ông Tiết vẫn nhớ như in những lần đi trầm gặp phải nhóm cướp. Ảnh: Xuân Ngọc

Ông Tiết kể về lần đi trầm gặp phải nhóm cướp. Ảnh: Xuân Ngọc.

 

Gần 5 năm trước, tin người trúng kỳ nam tại núi huyện Krông Năng (Đăk Lăk) bán hàng chục tỷ đồng lan tới Khánh Hòa. Ông Tiết cùng 14 người địa phương liền theo tìm. Trong nhà cạn tiền, ông phải bán bò giống mẹ và con gần 18 triệu đồng, làm lộ phí. Vợ phản ứng gay gắt, nhưng vì kỳ nam giá tiền tỷ đành chấp nhận.

Suốt 20 ngày băng rừng, bới từng bụi lồ ô rậm rạp, soi từng cây dó bầu, song 14 phu trầm không thấy kỳ nam. Lương thực cạn, nhóm ông trở về tay không. "Mỗi lần nghe ai trúng hàng, tôi lại lên đường", ông Tiết giãy bày rồi nói suốt 32 năm đi địu chưa lần trúng kỳ nam, tới bây giờ vẫn không ngừng tìm.

Sau mỗi mùa vụ, lúa trên đồng đã gặt xong, sắp xếp việc nhà phụ vợ, các phu trầm ở Khánh Hòa lại cùng bầu bạn lên kế hoạch tìm trầm. Họ chia sẻ, nghề đi địu hiện nay không tấp nập như trước nên phải tìm thêm việc khác để làm, lúc góp ít tiền lại tiếp tục hành trình vào rừng, năm đôi ba lần.

Nổi tiếng về tài đi địu, ông Huỳnh Thanh Xuân ở thôn Phú Cang 2, xã Vạn Phú đã gần 50 năm trong nghề. Thế nhưng, ông vẫn miệt mài lên núi với ước vọng trúng được kỳ nam. Lão ông 72 tuổi kể, có lần lên núi Krông Bông (Đăk Lăk) tìm kỳ nam, ông cùng một phu trầm bị lạc.

Rừng rậm, hai người chắt chiu từng nắm gạo. Tới khi hết lương thực, cả hai phải tìm cây, rau rừng ăn tạm, chống đói. Ngày lần theo ánh mặt trời mọc tìm lối thoát, song rừng bạt ngàn không lần ra được phương hướng. 

Tới ngày thứ 4, từ âm thanh của những cây rỗng lỗ do ông và bạn gõ vào nhau phát ra, các phu trầm tìm đến. Hai người được tìm thấy trong tình trạng mệt lả, bơ phờ. Nhóm địu thay nhau lấy võng đưa cả hai về lán nghỉ ngơi.

"Những hôm bị lạc, chúng tôi thật sự sợ hãi, hai người phải trấn an bản thân là gia đình đang chờ ở nhà", ông Xuân nhớ lại, rồi bảo sống hơn nửa đời người nhưng ông vẫn chưa lần muốn nghỉ ngơi, giấc mộng trúng kỳ nam vẫn thôi thúc ông lên rừng mỗi ngày. 

Ông lão 72 tuổi vẫn chưa thôi ôm giấc mộng trúng kỳ nam, thường lên rừng tìm. Ảnh: Xuân Ngọc

Ông lão 72 tuổi vẫn chưa từ bỏ ôm giấc mộng trúng kỳ nam, thường mang túi nghề lên rừng tìm. Ảnh: Xuân Ngọc.

Theo giới phu trầm, anh em ruột ông Nguyễn Minh và Nguyễn Mẫn thường được dân địa phương gọi đi chung nhóm vì họ "sáng rừng" – thông thạo địa hình, lúc nào cũng nặng trĩu balô trầm mang về.

Hơn 30 năm trước, hai anh em trong lần đi địu trúng được kỳ nam. Sợ gặp phải cướp rừng, họ đi đường vòng về nhưng không ngờ bị lạc đường, mất phương hướng. Nhiều ngày lương thực cạn, bất thành tìm lối ra khiến cả hai tử vong. Gia đình tìm nhiều lần, song không thấy được thi thể.

Trường hợp ông Trần Văn Quý lần đi tìm kỳ nam tại Gia Lai, bị hàng tấn đá đè. Anh em cùng nhóm cố tìm cách cứu, nhưng sau 7 ngày ông đã tử vong vì kiệt sức. Em ông Quý đi cùng đợt đó vẫn chưa thôi ám ảnh, nhưng ý nghĩ trúng "hàng" khiến ông cũng không từ bỏ giấc mộng kỳ nam.

Theo Vnexpress