Bão số 2 diễn biến phức tạp, sẽ kèm theo lốc xoáy và dông sét

Chuyên gia khí tượng nhận định: Vùng ảnh hưởng của bão được xác định là từ Hải Phòng đến Quảng Ninh, nhưng trọng điểm là Thanh Hoá – Hà Tĩnh. Cơn bão số 2 sẽ kèm theo lốc xoáy và dông sét cục bộ, gió giật mạnh ở khu vực chịu ảnh hưởng bão…"

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, khoảng 4h sáng mai bão sẽ đổ bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, sức gió tối đa khoảng 90 km/h, tương đương cấp 8-9. Các tỉnh lân cận sẽ bị ảnh hưởng.

Để ứng phó với cơn bão số 2 có diễn biến phức tạp, sáng 16/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn trực tuyến đối với 24 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão. Cuộc họp do Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng chủ trì.

Tại cuộc họp trực tuyến, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, ông Hoàng Đức Cường thông tin, đến khoảng 10h ngày 16/7, vị trí tâm bão trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa – Hà Tĩnh khoảng 370 km về phía đông đông nam.


Bão số 2 sẽ đổ bộ Thanh Hoá - Hà Tĩnh. Ảnh: NCHMF

Bão số 2 sẽ đổ bộ Thanh Hoá – Hà Tĩnh. Ảnh: NCHMF

“Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ). Đêm 16/7, bão có khả năng mạnh lên và tới 22h cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-12. Tối và đêm 16/7, trên vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 7- 9, giật cấp 10 -11. Ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-10. Các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình và sâu trong đất liền khu vực các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-8. Dự kiến, khoảng 4h sáng 17/7 bão cập bờ với cường độ cấp 8-9, nhưng có thể bão đến sớm lúc 1h và muộn nhất là 7h sáng”, ông Cường cho biết.

Theo ông Hoàng Đức Cường: “Vùng ảnh hưởng của bão được xác định là từ Hải Phòng đến Quảng Ninh, nhưng trọng điểm là Thanh Hoá – Hà Tĩnh. Cơn bão số 2 sẽ kèm theo lốc xoáy và dông sét cục bộ, gió giật mạnh ở khu vực chịu ảnh hưởng bão, gây mưa to, sóng lớn 3-5 mét ở trên biển, bão khi cập bờ có khả năng gây ảnh hưởng lớn vì kèm theo mưa lớn từ 100-200 mm cho các tỉnh nằm trong tâm bão, mưa sẽ kéo dài từ hôm nay đến hết ngày 18/7”.

Hoạt động ứng phó bão số 2 tại các vùng tâm bão


Công tác phòng chống bão của ngư dân Hà Tĩnh. Ảnh Dân Việt

Công tác phòng chống bão của ngư dân Hà Tĩnh. Ảnh Dân Việt

Tại Hà Tĩnh, trưa nay hơn 6.000 tàu thuyền vào cảng cá ở Hà Tĩnh tránh trú bão số 2, để đảm bảo an toàn ngư dân chủ động neo buộc, tấp bạt trước khi bão đổ bộ vào.

UBND tỉnh Hà Tĩnh họp khẩn vào sáng nay nhận định: Bão số 2 đang có dấu hiệu chuyển hướng xuống phía Nam, dịch dần về phía Nghệ An – Hà Tĩnh. Ngoài bảo vệ tính mạng về người, thì thời điểm này Hà Tĩnh có gần 44.400ha lúa hè thu trong thời kỳ đứng cái làm đòng. Nếu diễn biến mưa lớn từ 200- 300mm, tình hình dự báo sẽ rất nguy hiểm cho sản xuất và các hồ đập trên địa bàn. Để có phương án xử lý với lũ quét và ngập lụt, các địa phương phải xây dựng kịch bản đối phó với lượng mưa trên 300mm, đặc biệt là các huyện miền núi.


Tàu thuyền được ngư dân chằng chéo ở cảng cá Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Vietnamnet

Tàu thuyền được ngư dân chằng chéo ở cảng cá Diễn Châu, Nghệ An. Ảnh: Vietnamnet

Tại Nghệ An sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường chỉ đạo, yêu cầu người đứng đầu các ngành, các cấp phải nêu cao trách nhiệm, thường trực 24/24h.

Tại cuộc họp, Chủ tịch tỉnh quán triệt, tập trung mọi phương án để chủ động ứng phó với bão số 2. Lệnh cấm biển phải được thực hiện nghiêm túc. Phương án PCBL, di dân vùng sạt lở, ngập úng, phòng chống lũ quét ở miền núi, ven sông suối phải được triển khai trước 17h chiều nay.

Nghệ An có 3.912 phương tiện/18.523 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Cùng với việc "cấm biển" từ chiều nay, Nghệ An cũng triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho nông nghiệp, các công trình thuỷ lợi, giao thông trọng điểm khi có bão lớn, lũ ống lũ quét…


Nhiều tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa đã neo đậu an toàn. Ảnh TTXVN

Nhiều tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa đã neo đậu an toàn. Ảnh TTXVN

Tại Thanh Hóa, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh , đến 14 giờ ngày 16/7, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.021 phương tiện tàu, thuyền với 19.420 lao động hoạt động trong tỉnh đã vào các nơi tránh trú bão an toàn.

Ngoài ra, 724 phương tiện với 5.034 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác cũng đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 2, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán 57.801 hộ dân (247.867 người) khỏi vùng nguy hiểm.


Nhiều du khách mắc kẹt tại cảng Cái Rồng vào sáng nay. Ảnh: Vietnamnet

Nhiều du khách mắc kẹt tại cảng Cái Rồng vào sáng nay. Ảnh: Vietnamnet

Tại Quảng Ninh, để đảm bảo an toàn cho du khách và các phương tiện tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa ngừng cấp phép đối với 481 tàu du lịch từ 13h ngày 16/7, yêu cầu các tàu đang trên vịnh quay về đất liền trả khách, di chuyển về nơi tránh trú đã được thông báo.

Huyện Cô Tô đã thông báo cho tàu thuyền hoạt động về nơi tránh trú an toàn; yêu cầu các nhà nghỉ, nhà dân có du khách nghỉ phải tạo điều kiện tuyệt đối cho du khách, không tăng giá, chèn ép khách trong thời gian khách tránh trú bão; các đơn vị biên phòng, bộ đội, các phòng ban đơn vị trên đảo tiếp tục theo dõi tình hình của bão để thông tin sớm nhất tới du khách. Do ảnh hưởng của bão nên trong hôm nay và ngày mai vẫn chưa thể thực hiện cấp phép cho các chuyến tàu chạy phục vụ du khách.

Được biết, hiện trên các đảo thuộc huyện Vân Đồn và Cô Tô đang có 5.126 khách du lịch, trong đó có 30 khách quốc tế. Riêng đảo Cô Tô có 3.500 du khách, trong đó có 14 khách quốc tế mắc kẹt trên đảo. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thông báo diễn biến cơn bão số 2, đồng thời bố trí chỗ ở ổn định, an toàn, không tăng giá dịch vụ, tạo điều kiện cho du khách có thể lưu trú chờ tình hình thời tiết tốt hơn.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Hải Phòng, thành phố đã có công điện gửi các sở ngành và các đơn vị liên quan về công tác phòng chống cơn bão số 2.

Mặc dù không trực tiếp đổ bộ vào Hải Phòng nhưng địa phương nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Chủ tịch TP yêu cầu bằng mọi biện pháp phải liên lạc thông báo cho các phương tiện đang đánh bắt trên biển về nơi trú ngụ an toàn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chủ động quân số nhân lực và thiết bị để trực ứng cứu khi có mưa lớn, sóng mạnh nếu báo số 2 đổ bộ vào.

Đến 12h trưa nay, khu vực Vịnh Bắc bộ đang có gió mạnh cấp 6, sóng biển cao 2m. Dự báo tối và đêm nay, vùng ven biển từ Quảng Ninh có gió giật cấp 6-8 sau tăng lên cấp 9, biển động mạnh.

Nhiều chuyến bay bị huỷ do bão số 2

Nhiều chuyến bay đến sân bay Vinh, Đồng Hới của các hãng Vietnam Airlines (VNA), Jetstar Pacific (JPA) và VASCO (0V) sẽ không được khai thác do ảnh hưởng của bão số 2 để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Cụ thể:

– VNA sẽ không khai thác 04 chuyến trên đường bay giữa Hà Nội/Tp. Hồ Chí Minh và Vinh, gồm VN1714, VN1715, VN1268, VN1269 trong tối ngày 16/7/2017. Hãng sẽ triển khai kế hoạch bay bù các chuyến trên trong ngày 17/7/2017.

– JPA sẽ không khai thác 04 chuyến trên đường bay giữa Vinh/Đồng Hới và Tp. Hồ Chí Minh, gồm BL524, BL525, BL350, BL351.

– 0V sẽ không khai thác 02 chuyến bay trên đường bay giữa Hà Nội và Đồng Hới, gồm 0V8590, 0V8591.

Theo GĐ&XH