Bắc Ninh đẩy mạnh công tác ATTP, hướng đến sản xuất an toàn

Bắc Ninh đang tích cực xây dựng đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, đi đôi với đó là siết chặt, quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), hướng đến SX ra các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Tăng cường công tác ATTP

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm và Thủy sản Bắc Ninh (QLCLNLTS), năm 2017, Chi cục đã phối hợp với các Sở Y tế, Sở Công thương, Công an tỉnh… kiểm tra công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh, nhất là vào những đợt trọng điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu…

02-33-56_nh_1

Chi cục QLCLNLTS Bắc Ninh kiểm tra mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP

Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành ATTP, đã tiến hành 3 đợt thanh, kiểm tra 46 cơ sở SX, kinh doanh thực phẩm, đã lập biên bản vi phạm và bàn giao cho ban chỉ đạo các huyện, TX xử phạt gần 30 triệu đồng. Đối với công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành ATTP, thực hiện 12 cuộc thanh, kiểm tra với 193 cơ sở SX, kinh doanh, chế biến nông lâm thủy sản. Xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp với 3,5 triệu đồng và lập biên bản cảnh cáo 1 trường hợp.

Trong 186 cơ sở được đánh giá xếp loại, 113 cơ sở loại A, 53 cơ sở loại B, 1 cơ sở loại C và 16 cơ sở ngừng hoạt động. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có giấy xác nhận kiến thức ATTP, khi chuyển địa điểm kinh doanh không cấp lại giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Bên cạnh đó, Chi cục tiến hành 2 đợt lấy mẫu giám sát chất lượng sản phẩm về kiểm tra chất cấm; tồn dư chất kháng sinh. Kết quả phân tích các mẫu đều đảm bảo quy định, không phát hiện dư lượng, dư lượng dưới ngưỡng cho phép. Đây là dấu hiệu cho thấy, ATTP của Bắc Ninh đã được quản lý và có tiến triển.

Song song với đó là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP. Chi cục đã tổ chức 55 lớp tập huấn cho 4.625 lượt người. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm an toàn có xác nhận trên địa bàn tỉnh và Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS Bắc Ninh chia sẻ: “Vấn đề ATTP của Bắc Ninh về cơ bản ổn định, không có gì đặc biệt. Ý thức của người dân về ATTP được nâng cao, luôn xác định hướng đến cộng đồng, xã hội. Để đảm bảo ATTP dịp cuối năm, cũng như lễ hội mùa xuân 2018, chúng tôi sẽ làm mạnh, quyết liệt, đặc biệt chú trọng thanh, kiểm tra đột xuất”.  

Sản phẩm an toàn là sống còn

Chúng tôi đi thực tế khu SX rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Cty TNHH Hương Việt Sinh, tại xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du), nơi chuyên cung rau cho các trường học ở Hà Nội và Bắc Ninh. Trang trại có diện tích gần 5ha, trong đó có 3,5ha trồng rau trong nhà lưới, 2.500m2 hệ thống nhà màng để trồng rau sạch trên giá thể.

Công ty có hệ thống tưới theo công nghệ Isarel (phun sương, phun văng). Áp dụng công nghệ này, phòng chống được sâu bệnh; không phải tưới nhiều nước, rau đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, công ty nói không với thuốc hóa học, dùng thuốc BVTV sinh học, đầu tư hệ thống nhà lạnh tiên tiến, các sản phẩm được bảo quản chất lượng xanh, sạch.

Ông Trần Quang Vinh, quản lý khu SX của công ty chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi cung cấp 4 – 5 tấn rau sạch cho các bếp ăn trường học. Hiện chúng ta quá phụ thuộc, bị động vào thực phẩm mua ngoài chợ, thường không đảm bảo ATTP, nên chúng tôi quyết tâm xắn tay làm nông nghiệp sạch. Cung cấp suất ăn cho học sinh, để đảm bảo sức khỏe thế hệ tương lai, nên công ty không đánh đổi lợi nhuận trước mắt, không thể đánh mất lương tâm, uy tín”.

02-33-56_nh_4

Rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của Cty Hương Việt Sinh

Đáng chú ý, công ty đã liên kết SX với hàng chục hộ nông dân xã Cảnh Hưng (huyện Tiên Du) để cung cấp nguồn rau, thịt an toàn, chế biến hàng nghìn suất ăn, cung cấp cho hàng chục trường học. Theo đó, DN cũng cấp vốn, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, còn nông dân góp đất và ngày công trồng các loại rau theo yêu cầu và tuân thủ quy trình do công ty đưa ra.

Điều này đồng nghĩa với việc, các xã viên tham gia liên kết phải đảm bảo quy trình làm đất SX nông sản hữu cơ; trong quá trình trồng và chăm sóc không sử dụng phân bón vô cơ cho cây trồng, không sử dụng thuốc BVTV, thuốc biến đổi gien… Chỉ dùng thảo mộc tự chế để phun trừ sâu bệnh; cây và hạt giống do công ty cung cấp…

Sau 2 năm, với hơn 80 hộ dân ở xã Cảnh Hưng tham gia liên kết với Cty Hương Việt Sinh, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Nguyễn Thị Luyên, Tổ trưởng tổ rau liên kết thôn Rền cho biết: “Tham gia mô hình rau VietGAP, đem lại giá trị gấp 10 lần trồng ngô, mỗi sào thu nhập 10 – 14 triệu đồng. Quan trọng hơn, ý thức người SX rau đã thay đổi. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, chúng tôi sẵn sàng tiêu hủy. SX rau cho các cháu học sinh, nên đạo đức, trách nhiệm phải đặt lên hàng đầu”.

Theo Nongnghiep.vn