Áp dụng hệ thống xử lý tiên tiến cho xoài xuất khẩu

Bảo quản nông sản sau thu hoạch là khâu quan trọng trong quy trình SX nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ xuất khẩu. 

Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ bảo quản sau thu hoạch hiện nay còn khá ít, trong đó có ngành hàng xoài. Mới đây tại Cty TNHH Kim Nhung, ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã thành lập Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đầu tiên ở ĐBSCL.

Bà Đinh Kim Nhung, GĐ Cty TNHH Kim Nhung, cho biết, trước đây, Cty chỉ là cơ sở nhỏ chuyên thu mua xoài nguyên liệu từ 15 – 20 tấn/ngày, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình xuất bán, đơn vị đã từng có những lô xoài khi được giao đến khách hàng chỉ 3 – 4 ngày sau đã bị hư hỏng.

08-50-12_nh_2_nho_p_dung_bien_php_xu_ly_moi_giup_bo_qun_xoi_tu_25_-_40_ngy
Nhờ áp dụng biện pháp xử lý mới giúp bảo quản xoài từ 25 – 40 ngày

Ý thức được tầm quan trọng của quy trình xử lý sau thu hoạch, Cty đã chế tác lại hệ thống rửa thanh long để xử lý xoài trước khi đóng thùng. Nhưng, kết quả không được như ý. Chính từ thực tế, làm sao bảo quản được hàng hóa nông lâu hơn đã thôi thúc Cty tìm ra một dây chuyền xử lý mới cho quả xoài. Đầu năm 2016, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cung ứng rau quả thông qua ứng dụng công nghệ trong chuỗi giá trị”. Cty Kim Nhung được UNIDO chọn đầu tư xây dựng Trung tâm tiên tiến thu hoạch, sơ chế, xử lý, đóng gói và bảo quản xoài ở vùng ĐBSCL.

Nắm bắt thời cơ, Cty đã đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng để trang thiết bị (hệ thống điện mặt trời, máy rửa xoài, thổi kho, hệ thống băng chuyền, kho lạnh,…) dưới sự hỗ trợ từ UNIDO. Đến giữa năm 2018, Cty thành lập Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài đầu tiên ở khu vực ĐBSCL chính thức đi vào hoạt động.

Bà Nhung nói, theo quy trình mới, xoài sau khi được phân loại sẽ được rửa trong bồn xử lý mủ. Sau đó cho vào dây chuyền hiện đại bao gồm các khâu rửa xoài bằng nước nóng, xử lý hóa lý, tiếp theo là sấy khô và cuối cùng là dán nhãn, đóng gói. Toàn bộ dây chuyền đều được máy móc đảm nhận, giúp tiết kiệm nhân công và giảm đáng kể lượng nông sản hao hụt.

Bà Nhung lý giải, với quy trình này, mủ xoài được xử lý triệt để và không còn dính da gây ra bệnh cháy da hay thúi đầu cuống. Do đó, xoài cát chu có thể bảo quản được trong 25 – 30 ngày, xoài Đài Loan (hay xoài tượng da xanh) có thể bảo quản trong 40 ngày.

Ông Nguyễn Duy Đức – Phó viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, lợi thế của Cty Kim Nhung là nằm trong khu vực trồng xoài trọng điểm của Đồng Tháp. Mặt khác, nguồn cung hàng hóa được đảm bảo khi tạo được tính liên kết với hơn 400 nông dân SX xoài có quy chuẩn.

Ông Nguyễn Duy Đức đánh giá, năng lực kinh doanh của Cty đã được nâng cao rõ rệt, đưa năng suất thu mua từ 15 – 20 tấn/ngày lên 40 – 45 tấn/ngày, cao điểm đạt 60 tấn/ngày. Không chỉ vậy, đã giúp quả xoài bước đầu thâm nhập vào thị trường khó tính như Úc, Nga, Hàn Quốc và tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sang một số nước khác.

Hiện nay, cả nước có hơn 84.500ha trồng xoài, với sản lượng gần 930.000 tấn/năm. Trong đó, vùng ĐBSCL chiếm 55% diện tích sản xuất (hơn 42.000ha), sản lượng xoài chiếm 61% cả nước. Tập trung nhiều ở các tỉnh như Đồng Tháp (9.300ha), Vĩnh Long (hơn 5.200ha), Tiền Giang (gần 5.000ha), An Giang (gần 5.000ha),…

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp là nơi trồng xoài lớn nhất vùng ĐBSCL với sản lượng hàng năm đạt gần 100.000 tấn. Đây là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, với mục tiêu đến năm 2020 trở thành ngành hàng quả cây xuất khẩu, có tính ổn định, bền vững. Để nâng cao chất lượng quả xoài, tỉnh đã và đang khẩn trương tổ chức lại sản xuất, giá trị cho ngành hàng xoài theo tiêu chuẩn GAP, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao. Theo đó, tỉnh đã thành lập được 2 HTX và 16 THT SX xoài liên kết cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Ông Tài cũng thừa nhận thực tế rằng, sản lượng có nhiều nhưng số lượng đạt quy chuẩn xuất khẩu còn rất khiêm tốn. Quy trình canh tác tiền thu hoạch và xử lý sau thu hoạch (như hệ thống kho lạnh, thiết bị phân loại, sơ chế, xử lý, làm chín, bao bì, đóng gói, vận chuyển…) chưa được áp dụng công nghệ khoa học. Đặc biệt, các công đoạn vận chuyển chủ yếu bằng phương tiện thô sơ, xử lý xoài sau thu hoạch được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Sau khi được xử lý xong lại có vấn đề nấm bệnh, do đó thời gian bảo quản ngắn. Vì thế, cải thiện các khâu từ sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị gia tăng cao – ổn định – bền vững tại điểm khởi đầu Cty TNHH Kim Nhung là định hướng của ngành hàng xoài Đồng Tháp đang hướng tới.

Ông Karl Schabesta, Trưởng ban UNIDO chia sẻ, mỗi năm tại Việt Nam, ngành hàng xoài mang về khoảng 490 triệu USD. Nhưng, đa số sản phẩm chỉ được tiêu thụ trong thị nội địa; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, các thị trường khác chiếm thị phần rất nhỏ. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng quả xoài sau thu hoạch.

08-50-12_nh_1_ong_krl_schbest_truong_bn_unido_thm_qun_trung_tm_xu_ly_xoi_su_thu_hoch_du_tien_vung_dbscl
Ông Karl Schabesta, Trưởng ban UNIDO tham quan trung tâm xử lý xoài sau thu hoạch đầu tiên vùng ĐBSCL

Ông Karl Schabesta nói, qua khảo sát các địa phương trồng xoài lớn ở ĐBSCL cho thấy tổn thất sau thu hoạch chiếm 26,9%. Tổn thất này bắt nguồn từ kỹ thuật và thời gian thu hoạch; quá trình vận chuyển không đúng gây ra các tổn thương vật lý trên sản phẩm; không xử lý nấm bệnh, loại bỏ mủ xoài triệt để. Thêm vào đó là quá trình giữ quả sau thu hái không ở điều kiện nhiệt độ phù hợp cũng dẫn đến việc giảm giá trị sản phẩm.