Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C

Những hạt muối sạch trắng, to, đậm vị ở làng muối Tam Đồng (Thái Bình) chứa trong đó cả những giọt mồ hôi ngày nắng gắt của diêm dân.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 1

Giữa cái nắng gay gắt gần 40 độ C của những ngày tháng 6, trên khoảng 3ha diện tích ruộng muối của người dân thôn Tam Đồng (xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình), những hạt muối được kết tinh mang theo vị mặn mòi của biển, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều diêm dân Thái Bình. 

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 2

Ông Nguyễn Trọng Bằng, trưởng thôn Tam Đồng cho hay, trước đây 100% hộ dân của thôn đều gắn bó với nghề làm muối. 

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 3

Quy hoạch từ năm 1960, khắp cánh đồng muối 30ha của HTX Tam Ðồng đâu đâu cũng thấy bóng người thấp thoáng, lẫn trong màu trắng của những ruộng muối tinh khiết, tiếng kéo muối tất bật cả những trưa hè nắng gắt. 

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 4

Tuy nhiên, 7-8 năm trở lại đây, giá muối trên thị trường xuống thấp nên nhiều người dân không còn mặn mà với nghề, nhiều ruộng muối bị bỏ hoang, các ô phơi muối, bể lọc vắng người thau rửa.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 5

Giờ đây chỉ có các cụ cao tuổi, vài ba người trung niên vẫn còn cặm cụi làm muối, họ tiếc nắng, nhớ nghề và một phần không có nguồn thu nhập nào khác nên tiếp tục gắn bó với công việc trở thành nguồn sinh nhai từ nhiều thế hệ trước.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 6

Ước tính hiện nay, cả cánh đồng thôn Tam Đồng chỉ còn khoảng 3-4ha diện tích sử dụng để làm muối với khoảng 40 hộ dân theo nghề. Số còn lại đi làm công nhân, phu hồ, nuôi trồng thủy sản…

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 7

Ở tuổi 81 nhưng ông Phạm Văn Dâng (thôn Tam Đồng) vẫn nặng lòng với nghề muối. Ông Dâng cho biết, đây là nghề truyền thống gắn bó với gia đình ông từ nhiều thế hệ nay. Khi còn là chàng trai tuổi đôi mươi, ông đã nếm trải vị mặn chát của nước biển kết tinh trong những hạt muối. Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, trong đó có cả những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, đến khi về già với những vết chân chim hiện rõ trên gương mặt, ông Dâng vẫn ngày ngày vác dụng cụ ra đồng cào muối.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 8

Không lương hưu, vợ ốm nặng, cuộc sống của con cái cũng khó khăn, thêm vào đó tiền thuốc hàng tháng nhiều hơn tiền thức ăn nên dù vất vả ông vẫn bươn trải với nghề. “Giá muối thấp, chỉ khoảng 2.500-3.000 đồng/kg, trong kho nhà tôi còn khoảng 2 tấn muối nhưng không có đầu ra. Những ngày mưa, ngày râm mát không phơi được muối, tôi lại tranh thủ chở muối đi bán rong nhưng người mua nhiều lắm cũng chỉ 20.000 đồng. Thế nhưng bỏ nghề thì tôi tiếc vì dù sao đây cũng là công việc gắn bó với mình mấy chục năm nay”, ông Dâng nói.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 9

Để làm ra những hạt muối, diêm dân phải trải qua rất nhiều công đoạn, trời càng nắng thì người dân càng mừng vì sẽ thu hoạch được nhiều muối hơn,

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 10

Để tăng độ mặn của nước biển, người dân Tam Đồng áp dụng phương pháp phơi cát.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 11

Khi làm muối, diêm dân dẫn nước theo mương rồi tát nước lên, lấy đầy các mương nhỏ xen kẽ trong các ruộng cát, nước sẽ tự thẩm thấu vào các luống cát. 

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 12

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 13

Diêm dân sẽ gom cát phơi lọc cùng nước biển để làm tăng độ mặn của nước biển lên. Nước này theo đường ống chảy vào các bể chứa, sau đó để lắng trong trước khi đem phơi thành muối. 

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 14

Nồng độ mặn của nước biển đạt từ 25 – 30 độ nước mới đông kết thành muối.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 15

Khoảng 14h mỗi ngày, muối bắt đầu kết tinh trên đồng, các diêm dân lại hối hả đi thu hoạch, tiếng kéo muối vẫn vang lên nhưng không còn đều nhịp như trước đây.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 16

Sau mỗi nụ cười cuối ngày khi thu hoạch từng mẻ muối lại là nỗi lo đầu ra cũng như những nhọc nhằn, vất vả của diêm dân trên từng ô muối. Vì giữa lúc trời nắng gắt nhất họ ra đồng, trời mưa không chạy kịp coi như công “dã tràng xe cát biển Đông”.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 17

Những diêm dân chấp nhận gắn bó với nghề để giữ lại cái hồn của làng muối là họ chấp nhận giữ trên gương mặt mình những vết sạm đen vì nắng gió. Chỗ tránh nắng của họ chỉ là những túp lều dựng tạm hay những bụi cây dại mọc ngoài đồng cùng chai nước mang theo, thậm chí cả cạp lồng cháo muối.

Ảnh: Nhọc nhằn nghề làm muối của diêm dân Thái Bình dưới nắng nóng 40 độ C - 18

Khi cánh đồng muối Tam Đồng bị hoang hóa, nghề làm muối truyền thống đứng trước nguy cơ mai một, mỗi diêm dân nơi đây đều đau đáu mong nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền để công sức mỗi người bỏ ra được đền đáp xứng đáng và hơn hết là giữ được cái hồn của một làng nghề truyền thống lâu năm.