An Giang đổi mới, sáng tạo để khai thác thế mạnh nông nghiệp

Ngay trong giai đoạn thực hiện cơ chế tập trung, bao cấp, Đảng bộ tỉnh An Giang đã sớm có những đổi mới, sáng tạo để khai thác thế mạnh nông nghiệp, giải phóng sức lao động của nông dân, phát triển sản xuất – kinh doanh. Cùng với chủ động triển khai định hướng đổi mới của Đảng một cách sớm nhất, An Giang còn đóng góp trở lại cho Trung ương nhiều mô hình đột phá, được thực tiễn chứng minh hiệu quả.

Vươn lên trong khó khăn

Sau niềm vui giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngoài những tàn phá do chiến tranh để lại, Đảng bộ và nhân dân An Giang còn đứng trước nhiều khó khăn, như: Chiến tranh biên giới Tây Nam; sản xuất nông nghiệp bị kìm hãm; thiên tai, lũ lụt lớn xảy ra; nguồn cung cấp của Trung ương cho tỉnh giảm sút; nhân dân thiếu đói ngay trên vùng đất phì nhiêu.

Theo TS Nguyễn Phương An (Học viện Chính trị khu vực II), đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại, An Giang là một trong những điểm sáng của quá trình tìm tòi đổi mới kinh tế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Ngay từ trước đổi mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ II (tháng 12/1979) đã xác định: Trọng tâm hàng đầu của tỉnh là sản xuất nông nghiệp, phát triển cân đối toàn diện cả trồng trọt và chăn nuôi, tập trung chủ yếu sản xuất lương thực, thực phẩm để đảm bảo vững chắc đời sống nhân dân trong tỉnh… Từ đó, tạo chuyển biến trong phát triển sản xuất nông nghiệp với sự gia tăng về diện tích và sản lượng.

Tháng 11/1980, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang (mở rộng) có những chủ trương sau này được đánh giá là mạnh dạn, đột phá, có nội dung đi trước chủ trương của Trung ương, tập trung chủ yếu vào ruộng đất và giá thu mua nông sản.

Đó là tăng cường hợp đồng 2 chiều (hợp đồng B) giữa nhà nước và nông dân, ứng trước cho nông dân và ngoài phần nghĩa vụ nhà nước mua hàng của nông dân theo giá hợp đồng; mua cao, bán cao theo cơ chế thị trường, đi đôi với mua bán theo giá chỉ đạo; xóa bỏ các trạm kiểm soát “ngăn sông, cấm chợ”, cho phép hàng hóa lưu thông tự do để kích thích sản xuất phát triển, tạo ra mặt bằng giá thống nhất; đẩy mạnh mua bán không giới hạn trong địa phương, từng bước mở rộng phạm vi trong nước.

Đảng bộ An Giang chủ trương đưa đất về hộ nông dân, biến “hộ nông dân thành hộ sản xuất cơ bản”. Sau đó, nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương này được ban hành, quy định giá mua thỏa thuận lúa vụ mùa; phân phối nhiên liệu, vật tư, hàng hóa; hình thức trao đổi giữa vật tư với lúa theo 3 loại hợp đồng, trong đó có hợp đồng mua cao bán cao; quy định giá bán xăng dầu, phân bón phục vụ sản xuất…

“Thực chất của chủ trương và các quy định này là áp dụng bước đầu cơ chế thị trường trong sản xuất nông nghiệp theo phương châm “mua đúng, bán đúng”, bởi nông dân có quyền bán nông sản dư thừa với giá thỏa thuận với nhà nước, sau khi hoàn thành nộp thuế và thực hiện chỉ tiêu sản xuất. Giá thỏa thuận gần sát với giá thị trường tạo nên niềm phấn khởi cho nông dân, giúp An Giang có những bước tiến trong thực hiện chỉ tiêu thu mua nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung. Mức thu mua năm 1980 đạt 146.092 tấn lúa, tăng 368% so năm 1979 (39.708 tấn).

Trong thời gian ngắn, từ chỗ thiếu đói, An Giang trở thành địa phương sản xuất lúa hàng đầu cả nước. Chủ trương và kết quả thực tiễn này đã gợi mở nhiều điều cho các địa phương khác và Trung ương trong quá trình tiến dần đến thu mua theo giá thị trường – một tiền đề quan trọng để sau này tiến thêm nhiều bước đến kinh tế thị trường định hướng XHCN” – TS Nguyễn Phương An đánh giá.

Không ngừng sáng tạo

TS Nguyễn Phương An cho rằng, để có những đột phá đóng góp cho đất nước là một quá trình không hề dễ dàng. Đảng bộ, nhân dân An Giang đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, quyết tâm hành động, không ngừng tìm tòi, đổi mới, được thực tiễn chứng minh tính hiệu quả, đúng đắn. Từ đó, đã đóng góp cả trên phương diện lý luận và tổ chức thực tiễn đổi mới của cả nước.

Ngày 13/1/1981, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100-CT/TW về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Chỉ thị tiếp thêm động lực cho Đảng bộ An Giang tiếp tục tìm hướng tháo gỡ cơ chế quản lý các tập đoàn sản xuất và HTX.

Ngày 17/6/1985, Hội nghị Trung ương 8 (khóa V) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW về giá – lương – tiền. Thực hiện nghị quyết này, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang (tháng 10/1985) đã chủ trương thực hiện cơ chế 1 giá trên cơ sở lấy kế hoạch hóa làm trung tâm, lấy giá lúa làm chuẩn. Chính sách tiền lương thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động, bảo đảm tái sản xuất sức lao động, xóa triệt để bao cấp…

Tuy nhiên, việc tồn tại cơ chế quản lý các tập đoàn sản xuất, HTX chưa phù hợp vẫn còn là điểm nghẽn trong thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế hàng hóa. Để khắc phục, Tỉnh ủy An Giang chủ trương biến “hộ nông dân thành hộ sản xuất cơ bản” bằng cách đưa ruộng đất về cho mỗi hộ. Với cách làm khéo léo, linh hoạt, chủ trương này mang lại hiệu quả, trở thành một điểm nhấn nữa của An Giang đóng góp vào quá trình tìm tòi đổi mới kinh tế của cả nước.

Với tinh thần “Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân”, Đại hội VI của Đảng (1986) được xem là đại hội của đổi mới đất nước, bước đầu xác định quy luật kinh tế cơ bản của CNXH trong những điều kiện hiện nay.

“Trong quá trình đi đến Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới đất nước tại Đại hội VI, Đảng bộ và nhân dân An Giang đã có những đóng góp không nhỏ. Với bản lĩnh và tâm huyết vì nhân dân, vì sự phát triển của quê hương, Đảng bộ và nhân dân An Giang vừa khéo léo trong chấp hành chỉ đạo của Trung ương, vừa bám sát thực tiễn để chủ động, linh hoạt đưa ra những chủ trương có tính chất đột phá” – TS Nguyễn Phương An phân tích.