Ấn Độ tạm thời đóng cửa vì COVID-19, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần lưu ý

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý tạm thời không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như D/A; D/P trả chậm tạm thời không làm thủ tục xuất khi hàng hóa đến cảng của Ấn Độ trước ngày 15/4.

Ngày 24/3/2020, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phát đi thông điệp toàn quốc, chỉ đạo toàn dân thực hiện “cách ly xã hội”, coi đó là biện pháp hiệu quả duy nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Ấn Độ sẽ thực hiện đóng cửa hoàn toàn trong vòng 21 ngày, kể từ 00h00 ngày 25/3/2020. Toàn bộ đất nước, bao gồm toàn bộ các bang, các thành phố, các quận, các làng… đều bị phong tỏa.

Với quyết định trên, cơ quan hải quan cửa khẩu tại các cảng hàng không và cảng biển cũng sẽ tạm thời nghỉ, dẫn đến việc không thể thông quan hàng hóa như thường lệ, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý và xem xét thực hiện theo các khuyến nghị:

Với doanh nghiệp xuất khẩu: Tạm thời không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như D/A; D/P trả chậm, hoặc cho khách hàng nợ tiền hàng, ưu tiên áp dụng L/C trả trước, không hủy ngay; Tạm thời không làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đối với hàng hóa có thể đến cảng của Ấn Độ trước ngày 15/4/2020. Hiện các ngân hàng đã cắt giảm thời gian làm việc xuống còn 2 giờ/ngày, cắt giảm nhân viên hoặc đóng cửa… do vậy, thời hạn thanh toán cũng chậm hơn so với thường lệ. Doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ với người mua để kiểm tra tình trạng hoạt động và khả năng thanh toán. Đồng thời, rà soát lại các hợp đồng mua bán đã ký kết, trong trường thấy bất lợi cần yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng, bổ sung thêm các điều khoản về bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.

Với doanh nghiệp nhập khẩu: Tạm thời không đặt cọc, trả trước cho người bán, do các nhà máy (sản xuất đồ không thiết yếu) cũng phải tạm thời đóng cửa. Doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ hồ sơ, giấy tờ trước khi thanh toán, tránh trường hợp doanh nghiệp giả mạo giấy tờ, chữ ký để hoàn thiện thủ tục thanh toán; Thường xuyên liên hệ với người mua để cập nhật thông tin về tình trạng sản xuất, khả năng cung cấp hàng hóa cũng như rà soát lại các hợp đồng mua bán…