9 mặt hàng nông sản Cẩm Xuyên được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP

Đến cuối tháng 12/2018, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã có 9 mặt hàng của 2 HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là nỗ lực lớn của các cơ sở sản xuất trong lộ trình xây dựng thương hiệu và hướng đến phương thức sản xuất hàng hóa.

Thương hiệu nước mắm Thu Hùng

Năm 2012, HTX Chế biến thủy sản Thu Hùng ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) được thành lập, đồng thời, đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm cá cơm Thu Hùng”. Đến thời điểm này, HTX đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống sản xuất nước mắm sạch. Với gần 400 chiếc chum và bể muối cá, bình quân mỗi năm, HTX sản xuất trên 10 tấn cá các loại.

Không ngạc nhiên khi đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh luôn tin dùng sản phẩm nước mắm và một số sản phẩm chế biến khô của HTX Chế biến thủy sản Thu Hùng, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất là khi xảy ra sự cố môi trường biển, HTX vẫn giữ được lượng khách hàng khá, trong đó có một lượng lớn khách hàng ngoại tỉnh.

Mực khô là một trong 5 mặt hàng của HTX Chế biến thủy sản Thu Hùng vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc

Giải thích về điều này, Giám đốc HTX Hồ Thị Thu cho biết: “Mục tiêu đặt ra khi đăng ký thành lập HTX là qua sản phẩm của chúng tôi, sản phẩm nước mắm Cẩm Nhượng nói chung sẽ được người tiêu dùng trên cả nước biết đến và sử dụng. Vì vậy, bên cạnh chú trọng về mẫu mã, chúng tôi đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất sạch; coi đây là yếu tố sống còn trong xây dựng và phát triển thương hiệu”.

Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, an toàn, 5 mặt hàng của HTX Chế biến thủy sản Thu Hùng gồm: nước mắm, mực khô, tôm nõn, cá bún và ruốc đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc.

HTX Chế biến thủy sản Thu Hùng đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống sản xuất nước mắm sạch. Ảnh Thanh Nga

“Ngay sau khi sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhiều bạn hàng đã chia sẻ niềm vui và mong muốn được tiếp tục sử dụng sản phẩm của HTX. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn trong sản xuất ra các sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời gian tới” – Giám đốc HTX chế biến thủy sản Thu Hùng Hồ Thị Thu phấn khởi chia sẻ.

Sản xuất các mặt hàng rau, củ, quả vốn là lợi thế của nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên nhưng đến cuối tháng 12/2018 mới có sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đó là các mặt hàng gồm: bí đỏ, cà rốt, củ cải và dưa chuột của HTX Thương mại dịch vụ(TMDV) tổng hợp và chăn nuôi Hà Trung, xã Cẩm Hòa.

Đây là lần đầu tiên, một số sản phẩm rau củ quả của huyện Cẩm Xuyên được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc

Thành lập năm 2013, HTX TMDV tổng hợp và chăn nuôi Hà Trung là một trong những mô hình không ngừng đầu tư và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Với tổng diện tích trên 10ha, qua nhiều thăng trầm, lãnh đạo và các xã viên HTX đã động viên nhau từng bước làm chủ kỹ thuật và thị trường.

“Đặc biệt nhờ sớm áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm của HTX từng bước tìm được sự quan tâm, tin tưởng của người tiêu dùng, sản xuất đi vào thế ổn định. Đặc biệt, khi chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm của HTX càng khẳng định hơn chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng” – Giám đốc HTX Trần Thị Việt Hà phấn khởi cho biết.

Theo Giám đốc Trần Thị Việt Hà, ngay từ khi bước vào quy hoạch sản xuất, HTX đã chú trọng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp để đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, cây cà rốt sẽ được HTX Hà Trung mở rộng sản xuất và trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của đơn vị

Cụ thể, nguồn nước tưới được khai thác bằng nguồn nước ngầm tại chỗ với hồ chứa có dung tích 5.000m3. Hệ thống tưới áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa, phun sương và tưới nhỏ giọt. Việc cải tạo đất cũng được sử dụng phân động vật, thân cây và rau thải loại, cây trồng có chất lượng thấp được ủ bằng chế phẩm vi sinh và tận dụng nguồn phân chuồng từ đàn gia súc, gia cầm của HTX và thu mua thêm trong dân. Với nguồn phân bón này, không chỉ giúp cải tạo đất, tạo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại, nâng cao năng suất, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Mặc dù Cẩm Xuyên có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhưng việc xây dựng các mô hình phát triển bền vững còn khá hạn chế do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa liên kết được với các đối tác đầu mối lớn để tiêu thụ sản phẩm. Việc các sản phẩm của 2 HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm có thể xem bước chuyển quan trọng để huyện từng bước chỉ đạo nhân rộng, nhằm tạo được những bước đi vững chắc trên lộ trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương” – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết.