5 điểm sáng đóng góp vào thắng lợi toàn diện của ngành nông nghiệp năm 2018

Năm 2018 ngành nông nghiệp đạt được thắng lợi toàn diện. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 3,76%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây và vượt hơn nhiều sự mong mong đợi so với kế hoạch đề ra…

13-08-49_hieu
Ông Lê Trung Hiếu – Quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông Lâm nghiệp và Thủy sản

Tại cuộc họp báo Công bố về tình hình kinh tế xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Lê Trung Hiếu – Quyền Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông Lâm nghiệp và Thủy sản đã liệt kê 5 điểm sáng đóng góp vào thắng lợi của ngành nông nghiệp năm 2018, đồng thời phân tích những động lực để ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển năm 2019.

Đánh giá vai trò của ngành nông nghiệp đóng góp vào thành tựu GDP năm 2018 tăng 7,08% (cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây), ông Hiếu  khẳng định: Năm 2018 ngành nông nghiệp đạt được thắng lợi toàn diện. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành 3,76%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây và vượt hơn nhiều sự mong mong đợi so với kế hoạch đề ra.

Theo đó, 5 điểm sáng gồm: Thứ nhất, năm 2018 thời tiết khá thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động trồng trọt đạt được kết quả cao, đặc biệt là sản xuất lúa và cây ăn quả… Đơn cử, năm 2018, mặc dù diện tích gieo trồng lúa giảm 135 nghìn ha, tuy nhiên năng suất lúa lại được mùa, tăng 2,6 tạ/ha, góp phần tăng sản lượng hơn 1,24 triệu tấn (tăng 2,9%).

Thu hoạch lúa ở Cần Thơ

Thứ hai, sản lượng một số cây ăn trái tăng cao và có thị trường tiêu thụ ổn định như vải, nhãn, xoài, cam, bưởi… Sản lượng cam, quýt, bưởi đạt 1.697,9 nghìn tấn (tăng 10,9% so với năm trước), xoài đạt 788,5 nghìn tấn (tăng 5,8%), thanh long đạt 1.074,2 nghìn tấn (tăng 12,8%), dứa đạt 674 nghìn tấn (tăng 9,1%)…

Dấu ấn của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được thể hiện, trong giai đoạn 2013-2018 bình quân mỗi một năm diện tích gieo trồng lúa giảm khoảng 66 nghìn ha (0,85% so với tổng diện tích). Theo tính toán, bình quân một ha đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đã tăng hiệu quả gấp 2 lần, chuyển sang nuôi trồng thủy sản tăng hiệu quả 2,5 lần, nuôi tôm nước lợ tăng hiệu quả khoảng 5 lần…Bên cạnh đó, sản xuất lúa và một số cây trồng hiện đã có xu hướng chuyển dịch sang chất lượng, hiệu quả. Ví dụ năm 2018, diện tích cơ cấu lúa chất lượng cao được tăng lên, vì vậy sản lúa chỉ tăng 2,9% nhưng giá trị lúa tăng 3,7%. Nói cách khác, giá trị tăng cao hơn mức tăng sản lượng là do cơ cấu chuyển dịch.

Thứ ba, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản trong năm 2018 được thực hiện tốt. Điều này thể hiện những sản phẩm có sản lượng tăng cao như vải (tăng 64%), nhãn (tăng gần 10%)… Đặc biệt, khâu xúc tiến thương mại tạo thị trường xuất khẩu cũng như thị trường trong nước gần như không còn hiện tượng được mùa mất giá như các năm trước.

Thứ tư, lĩnh vực chăn nuôi lợn phục hồi nhanh do giá cả tăng cao, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, đã tạo động lực tăng trưởng rất lớn cho toàn ngành. Trong quý IV, sản lượng thịt lợn hơi tăng 7,1%, tính chung cả năm 2018 tăng 2,2%.

Chăn nuôi lợn phục hồi nhanh

Thứ năm, nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng cao do sản xuất cá tra gặp thuận lợi về thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Sản lượng cá tra tăng 10,4%, giá trị xuất khẩu tăng 27%.

“Về động lực tăng trưởng năm 2019 của ngành nông nghiệp, tôi cho rằng  Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” sau 5 năm thực hiện sẽ tiếp tục có kết quả cho những năm tiếp theo. Riêng lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục có thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm từ gỗ ổn định trong nhiều năm trở lại đây sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 8,9 tỷ USD (tăng 15%). Chúng tôi tính trung bình trong giai đoạn 2014-2018, kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực này tăng bình quân gần 10%. Ngành chăn nuôi với sự phục hồi của chăn nuôi lợn trong những tháng cuối năm 2018 sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2019″, ông Hiếu nhận định.

Thứ năm, trong năm 2018, nhiều nhà máy chế biến nông sản đã đi vào hoạt động chính là cơ sở để nông sản Việt tham gia sâu hơn nữa vào các chuỗi giá trị, khắc phục dần tình trạng được mùa mất giá. Số liệu năm 2018, có 14 nhà máy của các doanh nghiệp chế biến nông sản đi vào hoạt động với công suất lớn. Trong đó, có 9 nhà máy chế biến các sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, 5 nhà máy chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Gần đây nhất là Nhà máy chế biến thịt lợn của Masan tại tỉnh Hà Nam được đầu tư số vốn 1.000 tỷ đồng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới và có thể xuất khẩu. Bên cạnh đó còn có 3 nhà máy được xây dựng trong năm 2018 và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019.

“Chúng tôi cũng hi vọng năm 2019 ngành nông nghiệp sẽ phát huy được tối đa động lực phát triển. Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT với nỗ lực của doanh nghiệp và bà con nông dân sẽ tiếp tục đạt được những thắng lợi như năm 2018 và có thể cao hơn nữa”, ông Lê Trung Hiếu nói.