Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi ba ba

Những năm gần đây, mô hình nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản được nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới cho kinh tế nông hộ.

Đang nuôi gần 10.000 con ba ba thương phẩm trên diện tích 1.400m2, nông dân Hồ Văn Thận (xã An Hòa, Châu Thành, An Giang) cho biết, tuy ba ba là động vật sống hoang dã, nhưng rất dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đây là loài ít bị bệnh nên nuôi ba ba không đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm sóc.

Đối với hộ không có điều kiện mở rộng quy mô và đòi hỏi nhiều nguồn vốn đầu tư, có thể tận dụng diện tích đất vườn để thả nuôi với số lượng vừa đủ, đảm bảo mật độ thích hợp để ba ba phát triển là có thể thu được lợi ích kinh tế từ mô hình này.

Nguồn thức ăn cho ba ba đơn giản và dễ kiếm, chủ yếu là cá tạp, ốc, rau… nên có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ thiên nhiên nhằm giảm bớt chi phí nuôi. Nếu nguồn thức ăn tự nhiên không nhiều thì có thể bổ sung thêm thức ăn công nghiệp, có lượng đạm cao.

“Thịt ba ba ngon, bổ dưỡng, dễ ăn và có hương vị rất độc đáo nên được các nhà hàng, quán ăn chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, như: ba ba rang muối, ba ba om chuối đậu, ba ba nướng lá lốt, ba ba hấp lá sen, ba ba chiên nước mắm…

Do đó hiện nay, ba ba luôn có đầu ra và giá cả ổn định. Vì vậy, dù phải đầu tư tiền cho con giống, công chăm sóc, thức ăn nhưng 1-2 năm sau sẽ thu lãi, thậm chí còn lãi gấp đôi” – ông Thận chia sẻ.

Ông Trương Văn Te bên các bồn nuôi ba ba của gia đình

Gần 13 năm gắn bó và phát triển mô hình nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản, ông Trương Văn Te (ngụ ấp Cần Thuận, xã Cần Đăng, Châu Thành) đang sở hữu 13 bồn nuôi với tổng diện tích hơn 600m2, thả nuôi 1.500 con ba ba thương phẩm và 500 con ba ba sinh sản cung cấp giống cho người nuôi khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Ông Te cho biết, muốn bảo đảm nuôi ba ba thành công thì bồn nuôi phải đúng kỹ thuật, xung quanh bồn nuôi xây tường xi-măng bao quanh. Đáy bồn đổ bê-tông và có một lớp cát mịn hoặc bùn dày khoảng 10-20cm. Mực nước trong bồn dao động từ 0,6-1m.

Khi thấy nước trong bồn có dấu hiệu dơ thì thay nước để nguồn nước không bị ô nhiễm làm ba ba bị bệnh. Ba ba sống dưới nước là chính và lên khỏi mặt nước khi có nhu cầu di chuyển. Vì vậy, trong bồn cần thả thêm các nhánh cây lớn làm nơi cho ba ba đu đeo, nghỉ ngơi, phơi nắng.

Khi ba ba nuôi được hơn 6 tháng, cần phân loại con lớn, nhỏ và con đực, con cái nuôi riêng nhằm tránh sự tranh giành thức ăn gây hao hụt con giống. Ba ba nuôi đến khoảng 12 tháng thì có thể sinh sản, từ 20-23 tháng đạt trọng lượng 1,5 kg/con.

“Bên cạnh nuôi ba ba thương phẩm, tôi còn tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi ba ba sinh sản để tăng thêm thu nhập và đảm bảo nguồn con giống cho lần nuôi tiếp theo” – ông Te chia sẻ.

Theo ông Te, trong quá trình nuôi đòi hỏi phải đảm bảo giữ nguồn nước hợp vệ sinh, cho ăn đầy đủ, nhất là trong giai đoạn sinh sản. Bồn nuôi ba ba sinh sản phải ngăn thành 2 khu vực, một bên có nền cao hơn được đổ cát và để khô ráo là nơi ba ba lên đẻ trứng, bên còn lại là phần ngập nước để ba ba sinh sống.

Trung bình mỗi con ba ba bố mẹ sinh sản từ 10-30 trứng/lần. Khi sinh sản, ba ba tự lên phần cát khô đẻ trứng rồi vùi dưới cát cho trứng phát triển tự nhiên. Vì vậy, cần phải đưa trứng ra một chậu cát khô và để trong nhà, luôn duy trì ở nhiệt độ vừa phải khoảng 28-35oC là tốt nhất. Gần đến thời gian trứng nở khoảng 50-60 ngày thì đặt 1 thau nước ngang với mặt cát để khi nở con non sẽ bò xuống nước ngay, tránh bị chết vì thiếu nước.

“Hiện tại, ba ba loại 1 từ 1,5kg trở lên có giá 320.000 đồng/kg, loại 7 từ 500-700gr có giá 110.000 đồng/kg. Đối với ba ba giống có giá từ 4.500-5.000 đồng/con. Trung bình mỗi năm, các bồn ba ba thương phẩm và ba ba giống đem về cho gia đình tôi hơn 200 triệu đồng” – ông Te chia sẻ.