Xuất khẩu tôm đối mặt bài toán khó

Sức tiêu thụ tôm thế giới dịp cao điểm (Noel, Tết Dương lịch…) vừa qua giảm mạnh, tôm thế giới tồn kho nhiều, các hợp đồng đầu năm giảm mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Trong khi giá tôm nguyên liệu trong nước lại tăng cao đã và đang là bài toán khó đối với doanh nghiệp.

Phát huy lợi thế phân khúc cao cấp bằng tôm chế biến sâu đang là lời giải cho bài toán khó được doanh nghiệp ngành tôm lựa chọn. Trong ảnh: Một phân xưởng chế biến tôm của Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta.

Xuất khẩu giảm, nội địa tăng

Ngay từ cuối quý III-2022, các doanh nghiệp ngành tôm đều có chung nhận định, khó khăn đối với ngành tôm trong năm 2023 là không thể tránh khỏi khi lạm phát toàn cầu sẽ còn kéo dài ít nhất sang tận quý II-2023. Thực tế cho thấy, xuất khẩu tôm bắt đầu giảm dần từ quý IV-2022 và đến tháng 1-2023 chỉ còn 169 triệu USD, tức giảm đến 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, mùa vụ thu hoạch tôm tại các nước nuôi tôm lớn vùng Nam bán cầu, như Ecuador, Indonesia… đã bắt đầu, nên khó khăn sẽ còn lớn hơn trong thời gian tới. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, mới đây, một số nhà nhập khẩu chào giá hợp đồng tôm thẻ loại 40 con/kg kỳ hạn giao quý III-2023 tính ra chỉ hơn 100.000 đồng/kg, trong khi giá mua vào tại nhà máy đã là 150.000 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, nơi có 22 nhà máy chế biến tôm với rất nhiều doanh nghiệp Top 10 xuất khẩu tôm cả nước, hiện phần lớn chỉ hoạt động khoảng 40-50% công suất do thiếu hợp đồng và tôm nguyên liệu vừa khan hiếm vừa giá cao. Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản sạch Việt Nam cho hay, đầu năm đến giờ, công suất chế biến chỉ còn 40% so với mọi năm. Hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm trong thời điểm hiện nay chỉ nhằm giữ chân lao động và khách hàng là chính, chứ không có lợi nhuận. Riêng về nghịch lý giá tôm nguyên liệu trong nước tăng cao, các doanh nghiệp ngành tôm cho rằng, đây được xem là giai đoạn thấp điểm tôm nguyên liệu trong khi các nhà máy vẫn cần tôm nguyên liệu để duy trì hoạt động, số khác vẫn đang còn trả nợ hợp đồng năm cũ, cộng thêm sức tiêu thụ thị trường nội địa cao, tạo nên sự cạnh tranh nguyên liệu, đẩy giá tôm lên cao.

Sẽ có sàng lọc từ thị trường?

Hiện nay, đối thủ lớn nhất của ngành tôm Việt Nam không còn là Ấn Ðộ mà chính là Ecuador và cả 2 đối thủ này đều có chung điểm mạnh là sản lượng lớn và giá bán thấp. Ðặc biệt, Ecuador có lợi thế lớn nhất, khi giá thành vừa thấp lại gần thị trường Mỹ, nên họ có thể bán thấp hơn tôm Việt Nam đến 2 USD/kg. Còn tại Tây Âu, kim ngạch xuất khẩu của Ecuador từ 3,5 tỉ USD năm 2020 lên 5 tỉ USD năm 2021, chiếm 18% thị phần và năm 2022 gần 7 tỉ USD. Họ chỉ có 220.000ha nuôi tôm nhưng lại có đến 40.000ha đạt chuẩn ASC nên việc xâm nhập thị trường châu Âu của họ rất dễ dàng. Trong khi đó, thị phần tôm Việt Nam tại thị trường này giảm từ 10% xuống chỉ còn 8% trong năm 2021.

Không chỉ cạnh tranh với các cường quốc tôm khác, các doanh nghiệp ngành tôm trong nước còn phải cạnh tranh trực tiếp với nhau tại các thị trường và cạnh tranh ngay cả các thương lái thu mua tiêu thụ nội địa. Việc các doanh nghiệp trong nước chào giá thấp để lôi kéo khách hàng đã diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 năm 2021, nay lại thêm đại hạ giá để giảm tồn kho, quay vòng đồng vốn trong bối cảnh lạm phát từ quý IV-2022 khiến khó khăn càng thêm chồng chất. Với tình hình khó trong lẫn khó ngoài dự báo sẽ còn kéo dài, một câu hỏi đặt ra là liệu có xuất hiện một cuộc sàng lọc tự nhiên, khiến một số doanh nghiệp phải rời bỏ cuộc chơi như đã từng diễn ra trong đợt khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2007-2008 hay không? Và câu trả lời là có thể và khả năng cao nhất sẽ rơi vào những doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế phải sử dụng vốn vay ngân hàng nhiều.

Giải bài toán khó

Do đã được dự báo từ sớm và không thể tránh khỏi, nên ngay từ quý IV-2022, phần lớn các doanh nghiệp đều đã chuyển hướng về thị trường gần (châu Á, Úc…), đồng thời chủ yếu tập trung vào chế biến sâu để chiếm giữ phân khúc cao cấp tại các thị trường lớn (Mỹ, EU) để tránh cạnh tranh trực tiếp với tôm giá rẻ của Ecuador. Còn thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, hiện nay họ đang nhập sản phẩm chế biến sâu cao cấp, chi phí vận chuyển không cao nên là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam và gần như đây là sân chơi riêng cho tôm Việt Nam. Việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại, đồng thời dỡ bỏ nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với hàng nhập khẩu đông lạnh cũng được doanh nghiệp đánh giá là cơ hội tốt để ngành tôm mở rộng thêm thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, vẫn còn một bài toán khó cho doanh nghiệp ngành tôm trong bối cảnh hiện tại lẫn lâu dài đó là giá thành tôm nuôi của chúng ta vẫn còn cao hơn khá nhiều so với các đối thủ chính là Ecuador và Ấn Ðộ. Do đó, việc nhanh chóng triển khai các giải pháp cấp bách về quản lý con giống, môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào nghề nuôi để nâng cao tỷ lệ nuôi thành công nhằm giảm giá thành sản xuất, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường cần được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, trước mắt cần giải quyết có hiệu quả bất cập về sản xuất, phân phối con giống và môi trường tại các vùng nuôi cũng như hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp duy trì sản xuất chờ đợi cơ hội. Theo các doanh nghiệp, về lâu dài, cần chú trọng quy hoạch và rà soát định kỳ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi nhất là về thủy lợi để có được môi trường nuôi tốt, góp phần tăng tỷ lệ nuôi thành công. Chỉ cần chúng ta triển khai sớm, đồng bộ và có hiệu quả 2 giải pháp về con giống và thủy lợi cũng sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nuôi thành công, từ đó giúp giảm giá thành tôm nuôi, tăng sức cạnh tranh cho con tôm trên thị trường thế giới.